GS Nguyễn Chí Bền: Sai phạm ở di sản Tràng An quá chua xót

“Cả một khu di sản thiên nhiên thế giới bị ngang nhiên xâm lấn, đó là điều quá chua xót, nhất đối với công tác bảo vệ của chúng ta”, GS Nguyễn Chí Bền cho biết.

Giáo sư Nguyễn Chí Bền.

2.000 bậc cầu thang với hơn 1 cây số đường bêtông bỗng dưng mọc lên giữa di sản Tràng An, Ninh Bình, nơi nhiều năm nay vẫn được xem là di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. Sự việc chỉ được phát hiện khi công trình sai pháp luật này đã được hoàn thành và đi vào hoạt động trong nhiều tháng.

Bàn về vấn đề này, GS Nguyễn Chí Bền, Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, đây là hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Ông cũng khẳng định, việc tháo dỡ chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng nặng nề đến khu di sản Tràng An.

Công trình xây dựng trái phép ở Tràng An.

“Cả một công trình lớn như thế, xây dựng trong thời gian dài mà các cấp chính quyền cho rằng không phát hiện được thì đó là điều không thể chấp nhận được. Hiện tại, các cá nhân và đơn vị liên quan đến sai phạm không nên thanh minh nhiều mà tiến hành ngay công tác tháo dỡ, khắc phục. Phải lựa chọn những kiến trúc xây dựng tốt để tránh làm ảnh hưởng đến di sản trong quá trình phá bỏ”, ông nói.

Chuyên gia di sản cũng cho rằng, mỗi năm UNESCO đều tiến hành kiểm tra và có thể rút khỏi danh sách Di sản thế giới nếu quốc gia nào có những vi phạm về công ước do UNESCO đề ra. Vì thế, ông bày tỏ lo lắng trước công trình trái phép ở Tràng An.

“Di sản Tràng An đã được UNESCO đưa vào danh mục hỗn hợp, bao gồm cả di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Vì thế, vi phạm này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi đã đưa vào hồ sơ danh mục của UNESCO thì Tràng An không chỉ là di sản của Việt Nam mà còn là của thế giới. Việc chúng ta buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho các cá nhân, đơn vị xây công trình trái phép trong lòng di sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia”, GS Bền chia sẻ.

Ông viện dẫn một di sản ở Đức từng bị UNESCO loại ra khỏi danh sách Di sản thế giới vì những sai phạm trong công tác bảo vệ.

GS Bền tiết lộ, hiện tại, công tác bảo vệ di sản Tràng An đang được áp dụng theo Công ước 1972 của UNESCO. “Đây là một trong những công ước ra đời lâu nhất về di sản thế giới với nhiều quy định khắt khe. Trong thời đại thông tin, có thể UNESCO đã biết đến các sai phạm tại Tràng An hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thẳn đối diện. Không thể để tình trạng “phạt cho tồn tại” diễn ra được”, ông nhấn mạnh.

Nguồn: