Liên minh của hy vọng mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức khai trương Liên minh Năng lượng mặt trời (ISA) tại New Delhi ngày 11-3.

Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy mạnh năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển (đa số nằm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới), vốn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng cũng là nơi điện mặt trời chưa phát triển. Theo RFI, ISA phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này, trước hết là làm sao để công nghệ điện mặt trời thích nghi được với các điều kiện khí hậu, môi trường tại chỗ.

ISA gồm 121 quốc gia thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái sinh thay thế cho năng lượng hóa thạch. Cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Modi đều hy vọng rằng ISA sẽ thúc đẩy việc đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời mới từ nay đến năm 2030. Một trong các nguyên tắc chính của liên minh là tập hợp nhu cầu của các quốc gia thành viên, để đưa ra các đơn đặt hàng chung để hạ giá thành. Đây cũng chính là đề nghị của Ấn Độ khi gọi thầu 500.000 máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời, để đáp ứng nhu cầu của nhiều nước châu Á và châu Phi.

Cũng trong buổi khai trương ISA, Tổng thống Macron cam kết sẽ tài trợ thêm hàng trăm triệu euro nhằm triển khai các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển. Ông Macron cho biết Pháp sẽ chi thêm 700 triệu EUR (861,5 triệu USD) thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022. Trước đó, Pháp đã cam kết chi 300 triệu EUR cho sáng kiến này khi Pháp cùng với Ấn Độ thành lập một liên minh toàn cầu hồi năm 2015 nhằm tạo ra một quỹ mới để tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia nhiều nắng và nghèo.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo rằng một công nghệ năng lượng mặt trời hiệu quả và chi phí thấp phải sẵn có với tất cả các nước”. Ông cũng kêu gọi tăng cường năng lượng mặt trời trong số các nguồn năng lượng hiện nay. Ấn Độ đang phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và dần trở thành một trong những thị trường năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Trước đó, Ấn Độ đã cam kết đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% nguồn năng lượng của nước này, chủ yếu là nguồn năng lượng mặt trời.

Công viên năng lượng Mặt Trời Gujarat của Ấn Độ. (Nguồn: raszl.com)

Nhận xét về những thách thức trước mắt, Giám đốc tư vấn về năng lượng tái tạo Bridge to India, ông Vinay Rustagi, cho rằng: “Đây là một nỗ lực đúng hướng, nhưng hiện nay các tiêu chuẩn, nhu cầu kỹ thuật cũng như cách kinh doanh và quản lý các chuỗi cung ứng của các nước rất khác biệt. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ sẽ phải lưỡng lự khi tham gia vào các thông báo mời thầu, phục vụ thị trường nhiều nước châu Phi hay Mỹ Latinh”. Tuy nhiên, liên minh mới ra đời này có thể góp phần cải thiện công nghệ sản xuất tấm pin. Phần lớn các công nghệ này được phát triển tại phương Tây và cho phương Tây, là nơi có khí hậu khô và không khí sạch. Như vậy, các tấm pin sản xuất theo lối này sẽ ít hiệu quả tại Ấn Độ, nơi không khí bụi bặm và khí hậu rất nóng. Vậy là công nghệ điện mặt trời cần phải thích ứng với các nước châu Phi và châu Á, và ISA phải giữ được một vai trò trong hướng cách tân này.

Nguồn: