Tiêu hủy 34 tấn thực phẩm bẩn, xử phạt 2,5 tỷ đồng ở Sài Gòn

Kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 967 cơ sở, ngành chức năng TP.HCM phát hiện vi phạm 174 cơ sở, xử phạt số tiền 2,5 tỷ đồng.

Đó là thông tin được bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra, sau 1 năm đơn vị này được thành lập.

Bà Lan cho biết, thời gian qua, ban đã lập 11 đội quản lý ATTP thuộc phòng thanh tra, trong đó có 1 đội thường trực tại Ban, 8 đội liên quận – huyện, 2 đội quản lý ATTP ở chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền, với nhiệm vụ tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra và công tác kiểm dịch sản, phẩm động vật trên địa bàn…

Thịt thối phát hiện ở chợ đầu mối Bình Điền

Thực hiện kiểm tra ATTP 967 cơ sở, đơn vị phát hiện vi phạm 174 cơ sở (tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết đinh xử phạt với số tiền phạt 1,7 tỷ đồng.

55 trường hợp vi phạm đang bị tiếp tục xử lý với số tiền phạt dự kiến là 803 triệu đồng. Số tiền xử phạt này chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận – huyện.

Ngoài ra, các đội quản lý ATTP phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là 44,5 triệu đồng.

Ngành chức năng cũng tiêu hủy 34 tấn sản phẩm động vật, 123 kg thịt gia cầm, 134 kg thực phẩm các loại không đảm bảo vệ sinh.

Qua đường dây nóng 0283.930.1714, đơn vị tiếp nhận 57 cuộc gọi phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm và đã tiến hành kiểm tra, xử phạt theo quy định.

Vụ tiêm thuốc an thần vào heo ở lò mổ lớn nhất Sài Gòn bị phát hiện

Tuy nhiên, theo Trưởng ban quản lý ATTP TP, hiện đang có bất cập trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống, khi đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn.

Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh.

Vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn rất phức tạp và bất cập. Mức phạt chưa đủ tính răn đe.

Cần bổ sung những quy định kiểm soát từ nguồn, trong quá trình nuôi trồng, thu hoạch chứ không để đến lúc gây hậu quả – bà Lan nói và lấy ví dụ là vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần cho thấy yêu cầu phải kiểm soát nguồn thuốc, không để thương lái mua tự do.

Ngoài ra vấn đề kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp.

Nguồn: