Friends of Nature, tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh mới đây đã đệ đơn kiện Công ty TNHH năng lượng điện Xishuanbanna Vân Nam – chủ đầu tư dự án thủy điện trên núi Huilong thuộc Khu tự trị Xishuanbanna, Vân Nam, Trung Quốc và Công ty TNHH Kỹ thuật Côn Minh – đơn vị đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án vì cho rằng dự án vi phạm nhiều quy định về mặt môi trường.
Công ty Kỹ thuật Côn Minh thuộc Tổng Công ty Xây dựng điện lực Trung Quốc (đơn vị nằm trong danh sách Fortune Global 500 với tổng trị giá tài sản 87 tỷ USD). |
Dự án nằm sát Khu bảo tồn thiên nhiên miền Tây Nam Trung Quốc, bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2015 và dự kiến hoàn thành năm 2019, tuy nhiên Friends of Nature đã thu thập nhiều bằng chứng cho thấy dự án không chỉ phá hủy khu vực rừng mưa mà còn đe dọa các loài cá và làm ngập một phần Khu bảo tồn thiên nhiên Xishuangbanna.
“Mục đích của vụ kiện là bảo vệ rừng mưa địa phương và những con cá sống ở sông Luosuo (phụ lưu sông Lan Thương)” – Giám đốc Vụ chính sách và pháp chế thuộc Friends of Nature, bà Ge Feng, nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ge Feng, đập thủy điện trên núi Huilong và khu vực dành cho xây dựng hồ chứa có rất nhiều các loài thực vật cần được bảo vệ với giá trị sinh thái cao. Tuy nhiên, Công ty kĩ thuật Côn Minh đã xem nhẹ những thiệt hại sinh thái này trong quá trình đánh giá tác động môi trường để chính quyền cấp tỉnh có thể xem xét trước khi cấp phép xây dựng. Đặc biệt, việc chặn dòng chảy sông Luosuo – con đường di cư cuối cùng còn nguyên vẹn trong lưu vực – cũng sẽ khiến các loài cá không thể di chuyển xuống hạ lưu sông Lan Thương (sông Mê Kông, đoạn qua Trung Quốc) và ngược lại.
Trước những tác động nghiêm trọng của dự án, Friends of Nature đề nghị chủ đầu tư ngừng chặt phá các loài thực vật được bảo vệ, đồng thời khắc phục các mối đe dọa sinh thái từ con đập và cùng các đơn vị kỹ thuật bồi thường toàn bộ chi phí về mặt môi trường.
Tuy nhiên, trước khi Friends of Nature chính thức đệ đơn, một quan chức của Ủy ban cải cách và phát triển Xishuangbanna, khi trả lời báo chí, vẫn nhấn mạnh chính quyền địa phương rất hy vọng con đập trên núi Huilong sẽ có tiềm năng trong việc cấp nước cho đồng ruộng, thu hút du khách và giảm nghèo.
Ở một tỉnh còn tương đối nghèo như Vân Nam, thủy điện vốn vẫn được coi là nguồn năng lượng cứu cánh cho nền kinh tế, thậm chí có giai đoạn phát triển tới mức dư thừa. Theo báo cáo năm 2016 của một kỹ sư làm việc tại Mạng lưới điện nhà nước tỉnh Vân Nam, phụ trách việc giám sát phân phối điện trên toàn tỉnh, việc phát triển nhanh chóng các trạm thủy điện trong khu vực đã dẫn đến tình trạng dư thừa điện trầm trọng từ năm 2012.
Đứng trước những lo ngại về môi trường và thặng dư điện năng, tháng 7/2016, tỉnh Vân Nam đã ban hành lệnh ngừng xây mới các nhà máy thủy điện có công suất lắp đặt dưới 250.000 kW, tức nhỏ hơn 90 lần so với công suất đập Tam Hiệp. Đối với dự án đập trên núi Huilong, mặc dù công suất quy hoạch chỉ 113.000 kW song lại không bị đình chỉ vì được thông qua từ trước khi lệnh cấm được ban hành.
Đáng chú ý là khi vận hành lần đầu vào tháng 11/2017, chỉ sau vài ngày mưa lớn, đập Huilong đã đầy ắp nước tới mức phải xả tràn, gây ngập hàng ngàn dặm ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, rất ít cơ quan truyền thông đưa tin về sự cố nghiêm trọng này.
Cũng theo thông tin từ bà Ge Feng, đây không phải là vụ kiện đầu tiên Friends of Nature theo đuổi. Trước đó, đơn vị đã từng kiện 35 vụ tương tự nhằm bảo vệ môi trường, trong đó tháng 8/2017 khởi kiện các công ty xây dựng đập trên sông Hồng (đoạn thuộc tỉnh Vân Nam) do dự án đập đe dọa đến sự còn mất của loài chim trĩ và tháng 4/2016 kiện ba công ty hóa chất từng đóng tại khu vực thuộc Trường ngoại ngữ ở Thường Châu bây giờ. Sinh viên nơi đây mắc những căn bệnh mà gia đình họ cho rằng không chữa trị được. Tuy vụ kiện không thành công do bằng chứng không đầy đủ nhưng buổi điều trần thứ hai đã được tổ chức trong ngày 28/02/2018.
Friends of Nature cho rằng các hành động pháp lý nêu trên rất quan trọng đối với hệ thống kiểm tra và cân đối (bộ máy) các tập đoàn của chính phủ Trung Quốc. “Các vụ kiện vì lợi ích công cộng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp chúng tôi đẩy lùi các hành vi sai trái về môi trường”, bà Ge Feng nhấn mạnh.