Indonesia – một quốc gia quần đảo trải dài có quy mô bằng diện tích nước Mỹ, đang chịu tổn thương nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tình trạng biến đổi khí hậu cùng với sự tàn phá thiên nhiên do con người gây ra đã biến một làng chài ở phía Bắc đảo Java, Indonesia, đang dần trở thành khu vực ngập nước. Toàn bộ làng chài có thể bị chìm xuống biển đã trở thành nỗi lo không chỉ của chính quyền địa phương mà còn của từng người dân đảo.
Từng được mệnh danh là “Bãi biển hạnh phúc”, làng Pantai Bahagia giờ đang dần bị ngập nước do tình trạng biến đổi khí hậu và sự phá hủy thiên nhiên của con người. Mỗi ngày, ngôi làng sầm uất này cũng phải đối mặt với tình trạng triều cường dâng cao. Nếu như vào năm 2000, thực trạng này chỉ nằm trong cảnh báo của chính quyền địa phương và giới chuyên gia thì giờ nó đã trở thành một thực tế khó thay đổi.
Ông Muara Gembong, người đứng đầu làng Pantai Bahagia nói: “Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được tình trạng triều cường dâng từ năm 2000 song giờ mọi việc đã trở lên trầm trọng. Nhiều đường phố ngập trong nước. Mực nước khoảng 20cm so với mặt đất”.
Với nhiều cô cậu học trò ở làng Pantai Bahagia giờ đến trường không phải chỉ để học đọc, học viết mà còn phải biết cách làm sao để giữ cho đôi chân của họ được khô, không bị ướt. Bờ biển chỉ nằm cách ngôi trường 3km đã biến các lớp học gần như hàng ngày trở thành một đầm lầy ngập nước, như lời nhắc nhở về sự biến đổi của khí hậu đang đặt ra nguy cơ đối với cuộc sống của hàng triệu con người sống ở đây.
Thực trạng của làng Pantai Bahagia giờ đã trở thành thực trạng chung của không ít ngôi làng ở trên đảo Java và nhiều quần đảo khác của Indonesia.
Theo Ngân hàng Thế giới, Indonesia – một quốc gia quần đảo trải dài có quy mô bằng diện tích nước Mỹ, với đường bờ biển dài 81.000km đang chịu tổn thương nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Đây cũng là nơi lưu giữ 1 phần 5 diện tích rừng đước thế giới, với 3 triệu ha rừng. Tuy nhiên, giờ diện tích rừng đước ở Indonesia chỉ còn bằng một nửa diện tích của 3 thập kỷ trước do tình trạng phá hoại rừng đước để làm chỗ nuôi cá, xây các trang trại nuôi tôm và những vựa lúa. Trong khi diện tích rừng ngập nước được xem như một rào chắn, một con đê có nhiệm vụ ngăn chặn triều cường và tránh tình trạng xói mòn biển.
Nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chính quyền địa phương và cả người dân nơi đây đang đẩy mạnh nỗ lực vãn hồi rừng đước, các vùng đất ngập nước và chính cuộc sống của mọi người.
Theo ông Nyoman Suryadiputra, chuyên gia thuộc tổ chức Wetlands International chuyên nghiên cứu về đất ngập nước cho biết, việc khôi phục lại các rừng đước ngập nước sẽ làm tăng 10 mm bãi trầm tích hàng năm, qua đó giúp bù đắp tốc độ nước biển dâng (3 mm mỗi năm).
“Nếu trồng đước ở biển có thể hỗ trợ ngăn bùn đất, giúp tích tụ 10 mm trầm tích mỗi năm. Mực nước biển tăng 3mm mỗi năm song tốc độ đất tăng nhanh hơn so với mực nước. Do đó rừng đước không chỉ giới hạn được sự dịch chuyển của dòng thủy triều mà còn giúp lắng đọng đất ở phía dưới”, ông Nyoman Suryadiputra nói.
Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực làm việc với các nhóm môi trường để trồng lại rừng đước, xây dựng lại đê kè và tái định cư người dân. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần một nỗ lực dài hơi và kế hoạch toàn diện bởi làng chài Pantai Bahagia chủ yếu là những ngư dân và những người bán hàng rong dạo có thu nhập thấp sinh sống. Không dễ gì để họ chuyển đi nơi khác, bởi đây là nơi chôn rau cắt rốn, quê cha đất tổ của họ.
Đứng trong ngôi nhà ngập nước đến mắt cá chân ông Muara Gembong than thở: “Đây là đất đai của chúng tôi, của tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi buộc lòng phải ở lại đây dù có bị ngập nước”.
Hy vọng với nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và tinh thần vượt khó của người dân, cuộc sống ở làng Pantai Bahagia và nhiều ngôi làng đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu có sự biến chuyển trong thời gian tới.