Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái (J-CODE) vừa tổ chức hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hàng loạt dự án trong chương trình chỉnh trang tại TP.HCM, quy mô trên 30.000 tỷ đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng.
Thông tin tại hội thảo, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện tại, TP.HCM đang mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven kênh rạch, chỉnh trang đô thị thành phố.
“Hơn 20 năm qua, thành phố đã di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên, nhà ở trên và ven kênh rạch, ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống người dân. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn khoảng 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung chủ yếu ở quận 8, quận 7, quận 4.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố phấn đấu di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã phân loại 3 nhóm dự án bao gồm: nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công ty PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỷ đồng).
Trong đó, dự án di dời và tái định cư các hộ dân sông trên và ven bờ Nam kênh Đôi (quận 8), tuyến kênh Đôi – Tẻ dài 13km đi qua địa bàn quận 4, 7, 8 có quy mô 1.600ha với 6.172 căn nhà bị ảnh hưởng. Riêng đoạn đi qua quận 8 (phía bờ Nam kênh Đôi có 5.055 căn bị ảnh hưởng, dự kiến tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ lên đến khoảng 12.800 tỷ đồng”, ông Kiên nói.
Cũng theo vị Phó giám đốc Sở Xây dựng, TP.HCM sẽ tổ chức công bố dự án, mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện chỉnh trang đô thị. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT. Ở dự án này, thành phố dành khoảng 23 ha để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, tại TP.HCM, thời gian qua thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản tham gia như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Hankyu, Mitsubishi Corporation, Creed Group…
Hiện tại, TP.HCM cũng đang thực hiện chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị với chương trình di dời nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng. Cạnh đó, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản của các doanh nghiệp đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết nhất là với doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp Nhật Bản, ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE thông tin, cơ quan này với 57 thành viên, đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính, quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.
Do đó, những doanh nghiệp này rất mong muốn hợp tác cùng TP.HCM trong việc cung cấp kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ tiên tiến để xây dựng thành phố phát triển nhanh thành đô thị hiện đại phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đồng thời, J-CODE cũng cam kết sẽ hỗ trợ và dốc toàn lực để giải quyết các vấn đề của TP.HCM, giúp thành phố ngày càng phát triển hiện đại.