Quảng Bình mời gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào năng lượng tái tạo

Đó là nội dung được Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng phát biểu tại Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” diễn ra vào chiều 5/3 tại Đà Nẵng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng, là một địa phương dọc ven biển Miền Trung với số lượng 1.650- 1.850 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm đạt khoảng 4,03 kWh/m2/ngày, cùng với đó là quỹ đất sạch nhiều, địa hình bằng phẳng, điều này đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Quảng Bình để phát triển lĩnh vực năng lượng điện mặt trời.

Tính đến nay, Quảng Bình đã có 3 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án về điện mặt trời đó là Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa xin (dự án với tổng công suất 550MW); Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (200MW); Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn (160MW).


Ông Nguyễn Tiến Hoàng (giữa ảnh) – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Cũng theo Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Hoàng, ngoài lĩnh vực điện mặt trời, điện gió cũng là một thế mạnh của Quảng Bình. Thời gian qua đã có 3 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án. Cụ thể: Công ty Cổ phần Điện gió B&T thực hiện dự án với tổng công suất 200MW, tại xã Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh và xã Ngư Thủy Bắc huyện Lệ Thủy, trong đó, giai đoạn 1: 50MW, đang hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương đầu tư và trình phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đăng ký thực hiện dự án với tổng công suất 300MW, trong đó giai đoạn 1: 180MW, đang triển khai lắp đặt cột đo gió tại xã Dân Hóa huyện Minh Hóa; Công ty UPC Renewable Asia I limited đang xin lắp đặt cột đo gió để khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án với tổng công suất 250MW tại huyện Lệ Thủy trên phạm vi xã Hưng Thủy và Sen Thủy, huyện Lệ Thủy.

Toàn cảnh Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” diễn ra tại Đà Nẵng

Theo quy hoạch chung của tỉnh, điện gió được quy hoạch với tổng công suất 750 MW- nằm trên địa bàn các xã Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh, xã Sen Thủy huyện Lệ Thủy và xã Dân Hóa huyện Minh Hóa. Ngoài ra tỉnh Quảng Bình cũng đang được Chính phủ Đức tài trợ chương trình “Đo gió tại một số địa điểm để phục vụ việc lập Quy hoạch phát triển điện gió và phát triển các dự án Điện gió” tại Việt Nam, vị trí cột đo gió cao 80m lắp đặt tại xã Hải Ninh huyện Quảng Ninh thuộc Trang trại Điện gió B&T, có vận tốc gió bình quân từ 5,5 – 6,0m/s.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, du lịch mặc dù được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình, tuy nhiên lĩnh vực công nghiệp vẫn được tỉnh hết sức chú trọng. Trong đó công nghiệp năng lượng tái tạo chính là một trong những ngành công nghiệp sạch hiện nay được tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư.

“Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, Quảng Bình mong muốn được đón các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ và các nước đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Quảng Bình cam kết sẽ làm hết sức mình thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án nói chung và các dự án năng lượng nói riêng có hiệu quả và bền vững tại tỉnh Quảng Bình”, Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh.