Trước, trong và sau tết, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk xảy ra những vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng sẽ được thực hiện trong thời gian đến nhưng không thể không làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ rừng để lâm tặc lộng hành…
Phá rừng giữa ban ngày!
Đầu tháng 3, Công an huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) mật phục bắt giữ nhiều xe công nông độ chế chở đầy gỗ đã xẻ hộp tại khu vực thôn 5, xã Krông Á, huyện M’Đrắk. Phát hiện lực lượng chức năng bao vây, các đối tượng bỏ lại toàn bộ tang vật và phương tiện rồi bỏ chạy trong đêm.
Tiếp tục lần theo dấu vết, công an huyện phát hiện 1 bãi đang tập kết gỗ cách nơi các đối tượng bỏ xe chạy trốn gần 3km tại tiểu khu 789, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk kiểm đếm phát hiện, 5 xe công nông chở 72 hộp với khối lượng 19,112m3 gỗ; tiếp tục đi sâu vào rừng khoảng 3km lực lượng chức năng phát hiện thêm 42 hộp gỗ nữa với khối lượng 12,897m3.
Đáng nói, đây là vụ phá rừng với tính chất nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong những tháng đầu năm 2018 tại Đắk Lắk. Trước đó không lâu, tại tiểu khu 408 thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn quản lý lại để xảy ra vụ phá rừng gần tuyến biên giới. PV có mặt tại hiện trường ghi nhận, một khoảnh rừng bị tàn sát tan hoang; nhiều lóng gỗ quý bị cưa thành từng hộp nằm lăn lóc, đường kính nhiều cây gỗ lớn trên nửa mét, gỗ bị khai thác nằm rải rác trên diện tích gần 1.000m2…
Vụ việc xảy ra, chủ rừng là Vườn Quốc gia Yok Đôn và lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đổ lỗi cho nhau, quyết không nhận trách nhiệm.
Nạn phá rừng không chỉ diễn ra tại Đắk Lắk, tại Đắk Nông, tình trạng này chưa có chiều thuyên giảm mà có tính chất phức tạp; các đối tượng sử dụng các phương tiện cơ giới đưa vào rừng, lập trại, tàn sát rừng trong thời gian dài, những địa phương và chủ rừng không nắm thông tin.
Trước tết, tại tiểu khu 1680 do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long), đoàn liên ngành phát hiện khoảng 10 đối tượng dùng cưa xăng, dao phát cắt cây và gom, đốt, dọn hiện trường rừng bị phá từ trước, trồng cây xoan đến nay các đối tượng cắt cây xoan thuê máy cày cày đất để chuyển đổi trồng cây khác, khi lực lượng kiểm lâm tiến hành mở rộng kiểm tra hiện trường thì phát hiện thêm nhiều đám rừng liền kề và cách đó một khe suối đã bị phá mới. Theo thống kê, có 14,8ha rừng bị các đối tượng tàn phá.
Khó xử lý?
Trao đổi với PV, ông Đỗ Ngọc Hiếu – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) – cho rằng, vụ phá rừng nằm cách chốt bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn chỉ khoảng 1km nên chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính, nhưng phía xã Quảng Sơn vẫn có trách nhiệm liên đới trong vụ việc.
“Từ lúc xảy ra vụ phá rừng đến giờ, chủ rừng không báo cáo lên địa phương. Về phía xã Quảng Sơn, chúng tôi tự xác minh vụ việc và cử lực lượng kiểm tra đến hiện trường” – ông Hiếu thông tin.
Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nghiêm các chủ rừng, kiểm lâm thiếu trách nhiệm để rừng bị phá; quy trách nhiệm chủ tịch UBND xã, huyện nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, tỉnh Đắk Nông thời gian qua khởi tố nhiều lãnh đạo các Cty lâm nghiệp nhà nước, kỷ luật nhiều chủ tịch UBND xã, huyện để xảy ra mất rừng, nhưng tại Đắk Lắk, đến nay địa phương này vẫn chưa khởi tố cán bộ hoặc chủ rừng nào.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk – cho rằng, mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau. “Các vụ phá rừng tại Đắk Nông đã có chứng cứ rõ ràng, làm rõ trách nhiệm cụ thể; những cán bộ dung túng, móc nối… nên có thể khởi tố. Còn tại Đắk Lắk, để củng cố hồ sơ, xác định trách nhiệm của chủ rừng thì cơ quan chức năng cần thời gian điều tra, củng cố, làm rõ mới có thể khởi tố được hay không.
“UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm của chính quyền, chủ rừng trong các vụ phá rừng trên địa bàn thông qua việc ban hành văn bản và cả chỉ đạo trực tiếp trong các hội nghị. Qua các cuộc trao đổi của các ban ngành, công anh tỉnh cũng đã triển khai các lực lượng công an huyện xem xét, củng cố hồ sơ các vụ việc phá rừng để có căn cứ khởi tố, truy trách nhiệm chủ rừng theo Bộ luật Hình sự” – ông Dương nói.