Những năm gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là các khu rừng tự nhiên vừa giao lại cho chính quyền cơ sở quản lý hoặc quy hoạch cho các dự án trồng rừng và các vùng rừng giáp ranh. Nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng
Đồng chí Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 20 dự án có liên quan đến sử dụng rừng và đất rừng ở Phú Yên và phát hiện có nhiều dự án sai phạm về trình tự thủ tục. Qua đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên và các sở, ngành có liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý những trường hợp sai phạm. Đến nay các sở, ngành liên quan của tỉnh đã tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân và báo cáo lên Chính phủ.
Đồng thời, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng rừng và cuối năm 2017, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ công bố công khai điều chỉnh quy hoạch; thực hiện cắm mốc ranh giới, phân định 3 loại rừng.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng được thực hiện theo Nghị quyết 134/2016/QH13 ngày 9/4/2016 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; Văn bản 1927/TTg-KTN ngày 2/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia và nhằm điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng thời gian qua.
Ông Lê Thanh Đồng, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách của HĐND tỉnh cho biết, các chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 19.459ha, tăng 23,45ha so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Rừng sản xuất được quy hoạch lại hơn 153.868ha, giảm 23,45ha so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Rừng phòng hộ là 102.718ha, bằng chỉ tiêu Chính phủ giao và tăng hơn 3.882ha so với quy hoạch trước đây của địa phương. Diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch chủ yếu tập trung rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và quy hoạch đai xanh ven biển tại các đô thị, khu dân cư, các công trình xây dựng…
Xã hội hóa trong đầu tư phát triển rừng sản xuất
Theo Sở NN-PTNT tỉnh, năm qua mặc dù bị thiên tai khá nặng nhưng các địa phương đã khắc phục và trồng mới gần 6.650ha rừng tập trung, đạt 133% kế hoạch đề ra; đồng thời diện tích rừng trồng chăm sóc qua nhiều năm đạt kết quả thành rừng lên đến 20.877ha, qua đó góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng cuối năm 2017 trên địa bàn tỉnh lên 42,2%.
Đáng chú ý trong phát triển rừng, nhất là rừng sản xuất được tỉnh chú trọng thực hiện hình thức xã hội hóa trong trồng rừng.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ đã liên kết với người dân trong tỉnh trồng, chăm sóc, thu hoạch rừng theo phương thức thỏa thuận ăn chia, đôi bên cùng có lợi. Việc liên kết này không chỉ giải quyết lao động nhàn rỗi sau mùa vụ, mà còn giúp nông dân gắn bó với núi rừng, tăng thu nhập. Rừng kinh tế được trồng trên đất canh tác bạc màu, phần diện tích rừng bị hủy hoại trước đây và đất trống, đồi núi trọc. Thậm chí, nhiều hộ chỉ có vài ngàn mét vuông đất cũng tận dụng để trồng rừng, mở ra hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Một trong những địa phương phát triển kinh tế rừng là huyện miền núi Đồng Xuân. Trong giai đoạn từ năm 2010-2015, huyện Đồng Xuân trồng 9.740ha rừng tập trung, phần lớn là cây keo lai, chủ yếu là rừng sản xuất và 10 triệu cây phân tán. Và đến cuối năm 2017, huyện đã mở rộng diện tích rừng sản xuất lên 13.000ha, chiếm gần 20% diện tích rừng sản xuất cả tỉnh. Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết do đặc điểm địa bàn có địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích tự nhiên nên huyện xác định chỉ có kinh tế rừng mới tạo điều kiện phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, từ năm 2015, Huyện ủy Đồng Xuân đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ, phát triển rừng đến năm 2020 và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Huyện Đồng Xuân đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nâng diện tích rừng sản xuất lên 18.000ha; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ dăm và sản xuất viên nén làm chất đốt công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày được xây dựng tại xã Xuân Lãnh do Công ty TNHH Bình Nam đầu tư. Cũng theo ông Đặng Ngọc Anh, để phát triển rừng sản xuất cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế đầu tư; sử dụng cây giống năng suất cao trồng thâm canh, tạo vùng nguyên liệu tập trung cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lâm nghiệp, giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho biết: Hiện doanh nghiệp đã trồng hơn 3.000ha rừng sản xuất, trong đó có 1.900ha đến kỳ thu hoạch và mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng khoảng 5.000ha. Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, DNTN Bảo Châu đã đầu tư nhà máy chế biến gỗ dăm và đang lắp đặt dây chuyền sản xuất viên nén từ gỗ dăm để xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu.
Theo tính toán của những người trồng rừng, trung bình mỗi hécta trồng cây keo lai cần chi phí ban đầu từ 20-25 triệu đồng và sau từ 5-7 năm thu lãi từ 40 triệu đồng/ha trở lên.
Trên địa bàn tỉnh, diện tích đất rừng sản xuất được quy hoạch gần 154.00ha, chiếm hơn 54% đất lâm nghiệp. Với diện tích rừng đã trồng hiện có thì diện tích đất trống để trồng rừng sản xuất còn khá nhiều.
Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 mỗi năm trồng tập trung 6.000ha rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm gần 5.000ha, bao gồm trồng mới và trồng thay thế, và phấn đấu nâng tỉ lệ độ che phủ rừng từ 42,2% hiện nay lên 45% vào năm 2020.