Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng không chỉ đứng trước nguy cơ xâm hại bởi các dự án du lịch, hạ tầng giao thông “bê tông hóa” mà hệ sinh thái, động thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên này luôn trong thực trạng bị con người tấn công hàng ngày, dù chỉ vì những vụ lợi rất nhỏ.
Bán đảo có diện tích hơn 4.400ha, dài 13km với chu vi khoảng 60km, độ cao trung bình 350m, nơi cao nhất gần 700m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng.
Đặc biệt, Sơn Trà được đánh giá là khu sinh quyển độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có hệ sinh thái phong phú, nhiều loài động thực vật sinh sống, là “lá phổi” cho Đà Nẵng bởi Sơn Trà có khả năng tái tạo oxy cho 4 triệu dân.
Ngoài những hoạt động xâm hại Sơn Trà như quy hoạch khu du lịch quốc gia, xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng… theo kiểu “băm nát” bán đảo mà dư luận đồng loạt phản đối gần đây mà Chính phủ đang thanh tra, thì hàng ngày Sơn Trà đang bị xâm hại bởi những hành vi thiếu ý thức từ các hoạt động du lịch tự phát, bởi nạn săn bắt động vật hoang dã, bẫy chim trời, thú rừng…
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh buốt lòng về những loài chim hút mật xinh đẹp trên rừng Sơn Trà bị đánh bẫy. Đáng nói là hoạt động vi phạm lâm luật này tái diễn liên tục, giữa thanh thiên bạch nhật, bên cạnh những trạm kiểm lâm, đồn biên phòng.
Những hình ảnh đẹp đến đau lòng của những con chim hút mật bị đánh bẫy lưới trên Sơn Trà trên mạng facebook gây bức xúc. Chỉ vì lòng ích kỷ, muốn sở hữu riêng những chú chim trời xinh đẹp và cả không gian biển núi hùng vĩ, mà nhiều người đã nhẫn tâm đánh bẫy, mua bán loài động vật hoang dã đang sống bình yên; dùng mọi thủ đoạn tranh đoạt đất đai tại đây.