Thời gian qua, các phong trào trồng cây, gây rừng, nhất là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác” được tổ chức hằng năm mỗi khi Tết đến Xuân về, đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt gần 41,2%, và dự kiến năm 2018 tăng lên 41,6%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kết quả trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế còn thấp. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Một số tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng, trồng theo phong trào, chưa kiểm soát được chất lượng giống cây trồng cho nên năng suất, chất lượng rừng thấp. Vì vậy, mặc dù độ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng ở một số địa phương vẫn bị suy giảm (hiện 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo). Đáng chú ý, tình trạng phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương. Hậu quả là môi trường sinh thái của nhiều cánh rừng bị thay đổi, nhiều loại động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, thảm thực vật không còn đủ độ thấm để giữ nước mỗi khi mưa lũ xảy ra.
Để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngành nông nghiệp đã và đang triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, bước đầu tạo được nguồn ngân sách quan trọng để hỗ trợ người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng… Song, dường như cơ chế, chính sách vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ mầu xanh của những cánh rừng, thúc đẩy giá trị kinh tế của rừng. Bằng chứng là rừng tiếp tục bị mất, còn đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng, khi tỷ trọng giá trị sản xuất chỉ chiếm khoảng 3,0 đến 3,3% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Những người giữ rừng, trông rừng chưa thật sự sống được từ rừng.
Để nâng cao giá trị của rừng, nhất là rừng tự nhiên và rừng trồng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của pháp luật; quy trách nhiệm cụ thể đối với địa phương, doanh nghiệp trong việc chậm trễ trồng rừng thay thế; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào chọn tạo giống, trồng, chăm sóc rừng. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, cần nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, quản lý bảo vệ rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực và điều kiện làm việc cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn, cũng như cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.