Bạc Liêu chọn tôm, bỏ dự án trăm triệu đô

Việc Bạc Liêu nói không với dự án điện than có thể mang về cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỉ đồng mỗi năm là chuyện hiếm trong điều kiện kinh tế của địa phương này còn rất khó khăn

Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng là dự án của trung ương đặt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, do một công ty của Nhật Bản đầu tư hàng trăm triệu USD. Thẩm định dự án là Bộ Công Thương, có sự tham gia của UBND tỉnh Bạc Liêu. Nếu dự án được triển khai thì trước mắt, GDP của tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng vọt, có thể gấp đôi và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng đáng kể – như Trà Vinh, sau khi chấp nhận dự án nhà máy nhiệt điện, GDP của tỉnh này từ 6% tăng vọt lên 12%.

Giữ nhiệt điện thì phải “hy sinh” con tôm

Vào thời điểm đang cân nhắc có nên chọn nhiệt điện hay không, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhận được thông tin các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận có dấu hiệu ô nhiễm rất lớn bởi ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện. Vì thế, tỉnh đã họp và nhất trí bỏ Nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi quy hoạch.

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, dù công nghệ hiện đại thế nào thì tất cả nhà máy nhiệt điện đều có một lượng xỉ than rất lớn và cần diện tích lớn để dự trữ xỉ than. “Trong khi đó, Bạc Liêu có rất nhiều diện tích nuôi tôm và đang triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao để thực hiện chiến lược lâu dài là phát triển con tôm cho thương hiệu quốc gia. Chính lượng xỉ than từ nhà máy nhiệt điện sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường nuôi tôm. Nếu để nhiệt điện thì nhất định phải hy sinh tôm” – ông Trung lý giải.

Bạc Liêu từ chối dự án nhiệt điện và đẩy mạnh các dự án điện gió. Ảnh: TÂM QUÂN

Chưa biết quyết định loại bỏ dự án Nhiệt điện Cái Cùng mang lại lợi ích gì cho Bạc Liêu nhưng trước mắt, tỉnh đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Kỹ sư Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh ở TP Bạc Liêu, phấn khởi cho biết từ khi lập nghiệp ở Bạc Liêu, ông đã xác định thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm với diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do đó, Bạc Liêu loại bỏ dự án Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng để chọn con tôm là một quyết định đúng đắn, phù hợp thực tế.

“Nếu chọn nhiệt điện, mỗi năm tỉnh thu ngân sách hàng trăm tỉ đồng song hàng vạn người nuôi tôm và doanh nghiệp sẽ phá sản bởi môi trường sống của con tôm ở vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh sẽ mất đi vĩnh viễn. Mục tiêu biến Bạc Liêu thành thủ phủ tôm của cả nước cũng phá sản hoàn toàn. Dù chuyện tỉnh Bạc Liêu loại bỏ dự án nhiệt điện ra khỏi quy hoạch đã qua rồi nhưng giá trị về bài học này sẽ còn được nhắc nhiều về sau” – ông Xuân nhận xét.

Ưu tiên năng lượng sạch

Cũng trên diện tích 400 ha được quy hoạch nhà máy nhiệt điện trước đây, cuối năm 2017, tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn Group SY (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 300 MW, mức đầu tư trên 450 triệu USD (tương đương 10.242 tỉ đồng). Thời gian thực hiện nhà máy là từ năm 2017 đến tháng 6-2019.

Ông Dương Thành Trung cho biết ngoài điện mặt trời, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục kêu gọi và hợp tác đầu tư thêm các dự án điện gió trên cơ sở dự án điện gió hiện rất thành công.

“Trong năm 2018, Bạc Liêu sẽ có nhiều dự án lớn. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường và dự án nào cũng phải làm thật. Để tránh tình trạng ký kết ồ ạt rồi không triển khai, nhà đầu tư không quay lại nên khi ký kết, chúng tôi luôn đặt điều kiện phải ký quỹ. Hiện dự án điện mặt trời phía đối tác đầu tư cũng đã ký quỹ rồi” – ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Hong Young Don, Chủ tịch Tập đoàn Group SY, đây là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án này cùng với một số dự án điện gió, năng lượng mặt trời khác trên địa bàn sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội Bạc Liêu, cung cấp năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Bạc Liêu có đường bờ biển dài hơn 56 km, lượng gió mạnh, khá ổn định, ánh nắng mặt trời gần như quanh năm và không có bão lũ, rất thuận lợi để đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời. Hiện nay, tỉnh này đã có nhà máy điện gió do Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đầu tư. Nhà máy này có công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ turbin đã lắp đặt hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia trên 350 triệu KWh. Đây là nhà máy điện gió thương mại có tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng.

Ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

Tại Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm vào khoảng 130.000 ha, đứng thứ hai cả nước (sau Cà Mau). Sản lượng tôm hằng năm đạt hơn 105.000 tấn, mang lại giá trị gần 11.500 tỉ đồng. Tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ – khoa học kỹ thuật và đã khởi công “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”.

 

Nguồn: