Nên bỏ hay duy trì Tết âm lịch- quan niệm gây tranh cãi này đã đưa ra công khai trên nhiều diễn đàn. Nghĩa là đến một thời điểm nào đó trong tương lai, xu hướng “ăn Tết” theo lịch Tây cũng có khả năng xảy ra.
Nhưng với miền núi quê tôi, chớ mà đem câu chuyện thời sự này về làng. Nhất là ba ngày Tết. Với người dân quê, Tết không chỉ là những ngày nghỉ lễ dịp cuối năm, mà là những ngày ông ngày bà, ngày của thế giới tâm linh, ngày mà vạn vật phải hướng về cội nguồn…
Khoảng năm 1996, lần đầu tiên Chính phủ có giải pháp cứng rắn để bảo vệ thiên nhiên bằng các quyết định đóng cửa rừng. Trước đó, những người đốn cây, hạ gỗ, khai thác lâm sản ở quê tôi gọi là “thợ rừng”, chưa có khái niệm lâm tặc như bây giờ. Thợ rừng là những thanh niên trai tráng, là trụ cột lao động trong những gia đình. Ngày nông nhàn, họ lên rừng.
Không khai thác gỗ thì cũng tìm trầm, bứt song mây, săn bắt thú, đốt ong lấy mật hoặc khai thác vàng… Họ còn như những chiến binh dày dạn kỹ năng sống, đối mặt với sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc. Họ là thần tượng trong tâm thức tuổi thơ tôi.
Năm 1990 trở về trước, ở làng tôi gần như nhà nào cũng có súng. Không sở hữu AK thì cũng có M16, hoặc CKC báng gấp. Súng đạn là dân tự nhặt được từ những kho vũ khí còn sót lại sau chiến tranh. Ngoài rìu rựa, mỗi khi vào rừng, người đàn ông nào cũng cập kè cây súng. Súng để đuổi voi, xua cọp, bắn gấu, săn heo rừng… bảo vệ rẫy hoa màu, nhưng cũng là hành trang để tăng thêm sự tự tin, dũng mãnh của người thợ rừng.
Ngày hè, tôi theo cha vào rừng lấy gỗ. Thời đó, những loại gỗ mà bây giờ cho là quý hiếm như lim, hương, chò… đứng như mía. Dân làng tôi chê các loại gỗ cứng đó, vì phương tiện khai thác chỉ là rìu, cưa đợi, cưa líu chứ chưa có cưa lốc- máy nổ như bây giờ. Phải tốn cả ngày để lựa những cây dổi già, cây sơn huyết vừa giòn, vừa nhẹ, lại thường mọc ở địa hình bằng phẳng, dễ khai thác.
Gỗ thường là vật phẩm cho nguồn thu nhập khá nhất, thế nhưng các hoa lợi như cây dó (trầm), hạt ươi, lông chim trĩ; các con vật như rắn, trăn, ba ba, kỳ đà, mật ong… mà người thợ rừng hái lượm, săn bẫy được theo mỗi chuyến đi cũng đem lại thu nhập thường xuyên cho người miền núi.
Người dân dập dìu đi núi, khai thác rộn ràng khắp các nẻo rừng già. Thế nhưng, đến 28 tháng chạp âm lịch thì mọi hoạt động xâm phạm đến rừng ở làng tôi đều phải ngưng lại hoàn toàn. Mọi gia đình phải hoàn tất công việc để cuối ngày 28 Tết là lùa trâu bò đến truông, tháo giây thả mũi để tự do vào rừng. Khi dựng rào là đóng cửa rừng, trả lại sự tĩnh mịch cho tự nhiên. Tuyệt nhiên không người nào dám bước vào bên kia truông nữa.
Đến ngày mùng 8 âm lịch, tất cả thợ rừng gần như đều có mặt ở cửa truông để làm lễ khai sơn. Đây là một trong lễ nghi quan trọng của làng, được duy trì từ nhiều đời. Hội đồng làng gồm các bô lão, đại diện các chư phái tộc đều chỉnh tề khăn áo, cùng khai chiêng, gióng trống 3 hồi để cáo sơn thần thổ địa, chư vị tiền hiền xin cúng tạ ơn rừng.
Vật phẩm cúng tế đơn sơ gồm những món ăn truyền thống ngày Tết cùng với rượu trầu, hoa quả mà mọi nhà mang trong làng đến. Nhưng tuyệt nhiên không có thịt trâu và chó. Tôi nghe cha giải thích vì đó là những con vật gắn bó và giúp sức cho thợ rừng. Lễ nghi nghiêm trang, người cao tuổi khấn cúng rầm rì trong hương khói nghi ngút.
Người trung niên đứng ngoài các mâm chiếu, chỉ dứt từng hồi chiêng, trống lệnh mới được tiến vào hầu rót rượu. Trẻ con như chúng tôi phải đứng từ xa cùng các bà các mẹ và im thin thít trong suốt thời gian cúng tế. Bởi như lời người lớn đe dặn, nếu bất kính hoặc không thành tâm trong cúng tạ ơn rừng tại lễ khai sơn thì sẽ đem lại điềm xấu cho cả dân làng.
Suốt cả năm đó thợ rừng sẽ không được bình yên. Nếu trâu kéo gỗ không bị rớt khe, trượt dốc, thì thợ rừng cũng bị cưa rìu đụng chân, cây đè, lũ cuốn…
Chỉ chưa đầy 25 năm mà tất cả những hoạt động ấy giờ đã thành ký ức. Quê tôi vẫn duy trì lễ khai sơn – tạ ơn rừng. Tuy vậy, mọi thủ tục đều mang tính lễ nghi vì rừng không còn nữa. Khi những quy định đóng cửa rừng được ban bố kiên quyết, lặp lại nhiều lần từ cấp cao nhất là Chính phủ, thì rừng không còn truông mà có cả vạn lối vào, cửa ra. Không thể đóng hoặc mở cửa rừng trên cả thực tiễn lẫn tâm thức.
Rừng đã chở che, nuôi nấng bao thế hệ dân làng. Dẫu tổn thương, thậm chí tàn vong, nhưng rừng vẫn bao dung với người dân miền núi. Những người con của rừng núi như chúng tôi vẫn còn nợ một lời cảm ơn rừng. Rừng không chỉ cho chúng tôi cơm áo ngày khốn khó, cho những trải nghiệm đầy kỳ thú chốn hoang sơ. Rừng đã dạy cho chúng tôi biết nghiêng cẩn trước thần linh, biết sợ những quy luật vay – trả của tự nhiên.