Khi nghe tin tôi đi Bhutan, bạn bè đều bảo sướng thế, có người nhờ mang về cho một hòn đá nhỏ để họ thắp lên cái ước mơ đến miền đất được coi là hạnh phúc nhất thế giới ấy. Đây là quốc gia duy nhất của loài người, nơi họ thành lập riêng một Bộ tên là Bộ Hạnh phúc để chăm lo cái quan trọng hơn mọi cái quan trọng cho “thần dân” của mình. Rừng chiếm hơn 60 đến gần 70% diện tích lãnh thổ, các tuyên bố về chỉ số hạnh phúc và diện tích rừng của lãnh đạo Bhutan trước các hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến nhân loại (mang tiếng là) tiến bộ phải ngạc nhiên rồi run rẩy. Người Bhutan đã thật sự khiến phần còn lại của thế giới phải nghiêm túc xem lại mình – một trong đó là gã đàn ông 25 năm bụi bặm giữa Hà thành ngoi ngóp mưu sinh như tôi.
Thiên nhiên tuyệt bích, con người luôn thấy viên mãn
Chỉ có hơn bảy trăm nghìn dân, ngoài Vua thế tục, lại còn cả Vua Phật giáo. Cắt một khoảnh rừng ra trưng thu vì mục đích khác, cũng cần Vua phê chuẩn. Giết con thú thì đi tù. Chúng tôi lái xe, vượn má trắng xinh như mộng đứng ở mỏm núi ngó nghiêng, rừng cổ thụ và nhiều miền địa y vàng óng được phủ tuyết trắng tinh khôi. Nai ngơ ngác vểnh tai giữa đường nhựa chả thèm tránh con người. Cả một thung lũng Paro lá cây đồng loạt đổ màu như rát vàng rung rinh lấp lánh trong nắng thủy tinh. Họ đã có một thiên nhiên thần thánh, tuyệt bích ngay ở thủ đô Thimphu, chứ chưa nói đến núi cao, tuyết phủ hay các am tu được mây mù vây bủa.
Nhưng liệu đất nước ở nơi cao vời, quá nhỏ bé về dân số và còn giữ hầu như nguyên bản mọi phong tục cổ xưa giữa rừng nguyên sinh bạt ngàn này, họ có “an toàn” để giữ được chỉ số hạnh phúc đáng ước mơ ấy, trước làn sóng du lịch và sự du nhập “thói hư” của nhân gian đầy tục lụy “dưới kia” không?
Ngay cả khi đang băn khoăn tự hỏi như vậy, vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Bhutan vẫn “đốn ngã” trái tim bất cứ khách du nào. Hà Bhutan, một phụ nữ Hà Nội, ngoài ba mươi tuổi đã có 11 năm làm dâu ở Thimphu đã ra tận sân bay đón tôi. Dường như cô là người Việt duy nhất sinh sống ở thủ đô bé như một phố huyện này. Cô bảo, em thèm được nói tiếng quê mình lắm. Thế nên em xin lỗi, ngồi ăn hay ngồi uống em luôn nói hết phần anh. Bởi ở đây có một mình em là người Việt, “dù thế nào, nói tiếng mẹ đẻ của mình vẫn thích hơn, anh nhỉ”, giọng cô bần thần, có cái gì đó phảng phất nét hiu buồn của Văn Thành công chúa làm dâu Tây Tạng, của Huyền Trân công chúa vào làm dâu Chiêm Thành!
Hà xuất thân là dân du lịch, nói tiếng Anh như người bản xứ, nói tiếng Bhutan cũng giỏi. Người Bhutan coi tiếng Anh là “quốc ngữ thứ hai” của mình. Những ngôi nhà nhỏ chênh vênh sườn núi, những gương mặt người bản xứ sạm nắng, phố xá thủ đô lèo tèo vẽ các hình khối cổ xưa, thật sự, nơi này và các thành phố được coi là to lớn và quan trọng nhất của quốc gia này, chúng luôn khiến tôi liên tưởng đến những phố huyện ở Đồng Văn hay Bắc Hà của Tây Bắc Việt Nam. Người và cảnh y xì phoóc.
Tuy nhiên, các giá trị của cha ông thuở trước, thì người Bhutan giữ nguyên, chứ không lai căng như ở vùng cao Việt Nam. 100% đàn ông Bhutan chúng tôi gặp vẫn mặc “váy” (bộ Gho truyền thống). Tung Gioăng, anh chàng chưa vợ, con một cán bộ cấp cao của Hoàng gia Bhutan đưa tôi đi chơi. Dẫu hiện đại đến mức gọi cái váy áo của mình là “quần không đáy”, là cái “air condition” (điều hòa nhiệt độ) hoàn toàn tự nhiên, nhưng cậu vẫn mặc Gho – quần không đáy – suốt từ nhỏ đến giờ. Chúng tôi vào thăm hoàng cung, lãnh đạo Bộ đi làm cũng… váy.
Những chuyến bay có một không hai trên thế giới
Nhân đây nói về vẻ đẹp cao vời của Bhutan. Quốc gia xinh xắn về diện tích, nằm kề Ấn Độ, nằm viền quanh dãy Hymalaya (Hy Mã Lạp Sơn), nóc nhà của toàn bộ trái đất; dân số của bạn chỉ có hơn 700 nghìn người, tức là còn lâu mới đến 1 triệu, còn lâu mới bằng 1/100 dân số 93 triệu người của Việt Nam ta.
Tôi đã đi hầu khắp các xứ sở huyền thoại vinh dự giáp với non thiêng Everest và Hymalaya, với đỉnh cao muôn trường 8.850m, từ Nê Pan, đến Ấn Độ, sang Tây Tạng, giờ là Bhutan. Những tưởng các đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu, những biển nước mặn giữa núi tuyệt mênh mông, các cánh rừng điệp trùng và các tộc người với văn hóa lạ kỳ kiểu điểu táng (chặt thi thể người cho chim ăn) hay đốt xác người không còn làm mình thổn thức nữa. Thật không ngờ, giờ Bhutan vẫn đã làm thay đổi nhận thức của chúng tôi về nhiều điều.
Người Bhutan, họ tự hào vì mình ở tít trên cao. Họ không muốn “quảng giao” bằng mọi giá để làm phai mờ bản sắc. Vì sao người Việt Nam chưa đến Bhutan nhiều như việc họ đi Thái Lan hay Sigapore? Đơn giản là Chính phủ, Hoàng gia muốn không chế lượng du khách vào đất nước họ. Họ xét visa có hạn, nếu đủ nhiều rồi thì dừng lại.
Mà bạn vào Bhutan, bạn phải tiêu tiền theo mức khống chế của họ nhé, ít nhất 250 USD một ngày. Đủ thì vào, không thì thôi. Ngẫm những tua không đồng hay cảnh tràn ngập khách Trung Quốc bát nháo ở Việt Nam, mới thấy đức vua Bhutan sáng suốt. Ít ra là vì thế mà họ tự hào được rằng họ sống trong không gian thần thánh với chỉ số hạnh phúc mà phần còn lại của thế giới đều phải ao ước.
Máy bay Bhutan cũng lạ. Quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan) rất lâu. Chờ mãi họ mới bay, mà 5 tiếng đến quốc gia dưới chân Hymalaya cũng không bay thẳng từ Thái Lan được. Phải dừng ở Ấn Độ. Hỏi dừng tiếp xăng à, vừa bay lại đổ xăng? Không, để thay phi công quý vị ạ. Bhutan có duy nhất một sân bay quốc tế tên là Paro. Sân bay này bé hơn cả sân bay bé nhất Việt Nam tôi từng viết, ấy là sân bay Nà Sản ở Sơn La. Ở Bhutan, sân bay ngoằn ngèo dây thép gai cuốn hình tròn như cái nem. Lúc nào chúng tôi đến cũng chỉ thấy có mỗi cái máy bay. Chó mèo chạy đầy, bọn chúng béo mẫm và hiền xinh như thú bông, khách nào ôm cũng được.
Đặc biệt, cả thế giới này chỉ có dăm bảy phi công người Bhutan dám đáp phi cơ xuống sân bay quốc tế của Bhutan. Là bởi vì sân bay này cực hiểm, nó nằm kẹp giữa hai dãy núi cao, hết sức nguy hiểm nếu giảm độ cao hoặc vào cua mà… không quen đường. Máy bay không như ô tô, một “đỏ” là phải “ăn” luôn, một cái “nhỡ” là đi toi vài trăm mạng người. Vì thế, dừng ở Ấn Độ, một sân bay quốc tế tuyệt đẹp, hành khách vẫn ngồi im, đổi phi công xong (bắt thêm vài khách nữa chứ), hành trình lại tiếp tục lên với miền xinh đẹp của nóc nhà thế giới Bhutan.
Tôi đã đi khắp nhiều châu lục, nhưng duy nhất chỉ có ở Bhutan là lần nào cơ trưởng cũng tự hào gọi loa xúi hành khách hãy ngó ra cửa sổ nhé. Đây đỉnh Everest cao nhất địa cầu lấp lánh phủ tuyết ngoài ô cửa, đây là đỉnh cao gần 8.000m chưa bị chinh phục của người Bhutan. Kia nữa, liên tiếp các nóc nhà quyến rũ nhất hành tinh. Tạp chí của hàng không Bhutan còn chụp ảnh, vẽ đồ họa từng mỏm cao nhất của xương sống nóc nhà thế giới Hymalaya rồi đánh mũi tên, chỉ độ cao, vẽ hướng nhìn của quý khách từ máy bay ra ngoài bao la trời đất để tìm kiếm các “đỉnh” huyền thoại.
Quả thật, hạnh ngộ với Everest một lần từ nơi cao hơn Everest, với một gã lùn tịt như tôi, nó là một ân huệ thánh thần. Bởi núi lớn quá đẹp. Lại nhớ Xuân Diệu viết, “Ta là một là riêng là thứ nhất / bạn bè chi không sánh nổi cùng ta”. Everest là tuyệt thế giai nhân, có lẽ cũng vì thế mà danh sách các nhà leo núi kiêu hùng xương trắng cùng tuyết trắng vĩnh cửu của núi lớn này vẫn cứ ngày một dài ra.
Những người sống thật chậm và chỉ thích được bắn cung mỗi ngày
Hà Bhutan bảo, chả đâu xa, nhà chồng em, anh Sonam đây nhé. Giàu nứt đố đổ vách với các viên ngọc mắt mèo gia bảo. Nhưng họ cũng không màng xe sang hay ăn ngon mặc đẹp. Qua quýt, đến cả khu vực làm việc của Vương triều và các Bộ, cũng thấy bờ rào sắt gỉ hoen, vài cái mũ cũ vứt bỏ của ai đó treo lên trên như bù nhìn giữ dưa. Họ cho dân và khách du lịch vào đi cùng đoàn với vệ binh và các nhà sư đi làm lễ thượng cờ, hạ cờ mỗi ngày. Rất giản dị.
Tỷ phú chồng Hà Bhutan chiều nào cũng đi bắn cung. Cả nước, đàn ông đều mặc “váy” Gho và đi bắn cung. Chúng tôi ra khu vực bắn cung, họ hò hét rinh rợp, bắn phừn phựt mỗi ngày. Hà bảo: Công ty của em, nhân viên ai cũng mặc “váy” và trèo lên cao hay ngồi làm việc “cứ thông thống” rất hồn nhiên. Em là nữ, cũng cứ mạnh dạn bắt nam giới khép đùi lại hoặc mặc “quần con” cho đỡ… khó coi. Em cầm cái roi, cậu nào vô ý là em vụt đầu gối. Chồng em ngày nào cũng uống rượu nhâm nhi, ăn cơm ớt xào bơ, rồi đi bắn cung. Nhà nào cũng thấy phơi ớt xanh đỏ trên mái. Chợ nông sản thì 90% là các “núi” ớt, các sạp ớt cay xè. Chưa thấy nơi nào trên thế giới mà toàn dân ăn ớt liên tục – ớt là “thức ăn và rau” duy nhất – mâm nào cũng cả đĩa tây ớt xào bơ – như nơi này. Cơm và ớt xào bơ, là xong một mâm cỗ, mâm rượu nhâm nhi.
Còn về đam mê bắn cung. Chồng em đem cả đám nhân viên ra “cung trường”. Cung nào cũng to, đẹp. Em uất quá, mới cầm con dao phay và cái thớt gỗ, đi vào phòng trưng bày vũ khí truyền thống của anh ấy và… băm hết tên. Tên đẹp lắm. Cung cứng thì chả băm được!”.
Sau vụ đó, anh chồng có vẻ chỉn chu làm ăn hơn. Nhưng rượu thì vẫn uống. Gặp hàng xóm cũng uống, về miền đông xa xôi quê anh thì cả làng uống. Uống vì mặt trời lên, uống đến lúc lại nâng chén chia tay mặt trời lặn, rồi uống đón ánh trăng vàng.
Chúng tôi đi khắp nơi, chỗ nào cũng thấy nhà vẽ phalus (dương vật) của đàn ông. Có cả chùa thờ của ấy, có cả làng nhà nào cũng đẽo và bán các “gương mặt phalus” đủ răng, mắt, trông tình tứ chết đi được. Mà người ta vẽ phalus to đùng giăng ngang cả bức tường ngôi nhà, nó giống “ngoài thật” hơn cả cái thật ấy. Một cuộc sống chậm rãi. Chậm hơn cả cảnh anh chồng Hà đi mua ống kính mắc-cờ-rô về chuyên chụp ảnh những cánh hoa bé hơn… đầu đũa, những hình thù kỳ quái và đẹp mê mải của thiên nhiên vi diệu ven Hy Mã Lạp Sơn.
Những người Bhutan ấy, họ đã phả vào tôi một lời khuyên nhẹ nhàng mà đến đáy: sống chậm. Chậm mà đẹp, mà bình yên, ở vùng đất không có trọng án. Ở Thimphu, có lẽ đây là thủ đô quốc gia duy nhất trên thế giới mà không hề có đèn tín hiệu giao thông. Có ai vội đâu mà phải đèn với đóm.
Tuy nhiên, dường như thế giới sốc vì vẻ đẹp và sự bình an sống chậm với tràn ngập hạnh phúc của người Bhutan quá, nên họ kéo đến thăm thú ngày càng đông. Thế rồi giới trẻ Bhutan ngày càng vươn ra với thế giới với nhiều điều mà giữa vùng tiên cảnh ấy, giờ đây chúng tôi như sờ thấy được nỗi trăn trở. Một trí thức ở Thimphu bảo: Chính phủ luôn bỏ tiền để động viên giới trẻ đi du học. Điều này có quá nhiều cái hay, nhưng cái cũng dở là họ đi về, học đòi với đầu xanh đầu đỏ, ăn mặc nghênh ngang. Hút shisa, phì phèo thuốc lá ngoại. Cờ bạc nữa chứ. Có người vỡ nợ, lừa đảo, bị xử tù. Nhà truyền thống họ phá, xây nhà kiểu Tây.
Cơn lốc đô thị hóa tràn về Thimphu và Paro. Các thành phố này khổ sở với tốc độ xây dựng chóng mặt. Đức vua vẫn không cấp rừng cho chặt phá mà xây nhà. Họ chồng nhà lên, xây kiểu chung cư rẻ tiền, xấu xí vô độ. Chiều về, chúng tôi chứng kiến tắc đường thành hàng dài, cả thủ đô không có đèn tín hiệu giao thông nên càng tắc tị.
“Bà con đi vay tiền mua ô tô. Mua cho oai, con gà tức nhau tiếng gáy. Có nhà mua tới bốn cái ô tô. Vì chính phủ cho vay mấy chục năm không tính lãi”, một người giàu và quyền lực ở Bhutan tiết lộ.
Có người bảo, vươn ra biển lớn là con đường tất yếu và đầy tính nhân văn. Không lẽ cứ bắt giới trẻ mặc quần không đáy rồi có bà chị cầm roi quất vào đầu gối bắt khép háng hoặc mặc underwear (quần lót)? Không lẽ họ cứ bỏm bẻm nhai trầu thuốc rồi ăn cơm với ớt xào, chiều đến đi bắn cung rồi vào rừng ngắm hoa thơm trái lạ mãi? Cũng đúng.
Nhưng cái không đúng là: chỉ bằng cách giữ gìn thiên nhiên tuyệt mỹ, nguyên sơ đến từ thuở hồng hoang thế; chỉ bằng thái độ thượng tôn thiên nhiên để rừng chiếm tới hơn 60% diện tích lãnh thổ như lâu nay; chỉ với những cư dân hiền lành thoát vòng tục lụy sân si như tôi đã thấy… – thì thế giới mới nghiêng mình ngưỡng mộ Bhutan là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới. Bây giờ bỏ cái sở trường đi học đòi cái sở đoản mà nhân loại đang chán ngấy kia, thì làm sao một quốc gia nhỏ bé về diện tích, dân số vài trăm nghìn người có thể so với các cường quốc về công nghệ, cao ốc và nền văn minh kỹ trị? Xiết bao câu hỏi xoáy như vặn ốc vào chúng tôi.
Lên tu viện nhìn sang Tây Tạng, lên Tiger’s Nest lừng danh cả địa cầu, vào các khu bảo tồn Takin (quái thú huyền thoại đầu dê mình bò, chỉ duy nhất có ở Bhutan) thì quá là tiên cảnh, là đẹp hơn cả các huyền thoại độc nhất vô nhị rồi. Vấn đề còn lại là bước chân du khách như chúng tôi, có đem theo thêm rác rưởi và các lối sống thớ lợ đầu xanh đầu đỏ không, đi theo lối sống mua thêm vài cái ô tô chỉ để khoe của – để rồi xả khói đầu độc cái thủ đô bình yên đến mức chưa bao giờ cần đến cả đèn tín hiệu giao thông – để rồi nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần thê lương – không?
Khi chia tay, anh bạn trẻ hướng dẫn viên du lịch đã nắm tay tôi khóc. Bố cậu chết vì ung thư, mẹ cũng không tại thế được bao lâu sau đó. Cậu từng đi du học, nhà giàu. Cậu làm hướng dẫn viên vì muốn vẻ đẹp thần thánh của thiên nhiên quê mình được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Nhưng ở phi trường Paro, cậu bảo: Em bỏ nghề thôi. Vì làm thế này em buồn lần. Lần nào cũng thế, cứ thân thiết nhau, hiểu nhau, đi với nhau bao nhiêu núi tuyết và rừng thắm; lúc muốn nắm tay nhau đi nữa, thì mọi người lại phải bay về một miền xa đến mức đời em chắc chắn không bao giờ đến được. Và dường như chắc chắn không bao giờ gặp lại các anh chị. Vì thế em vừa vui lại vừa buồn với nghề này.
Tình cảm thánh thiện của cậu bé, càng làm nỗi trăn trở của tôi lớn hơn: liệu dăm ba năm sau, trở lại Bhutan, nơi này có còn là chính mình nữa không? Thế giới văn minh, nỡ nào ích kỷ dùng chính sự thương mến của mình để vùi dập các giá trị của vương quốc của những nụ cười kia? Thật khó để nói thêm điều gì. Cũng như khi các bạn Bhutan bảo tôi lên tiếng khi sắp đến sân bay quốc tế để về Việt Nam.
Tôi đã im lặng rất lâu, mà rằng: cậu biết tớ có thể nói cả ngày lẫn đêm trong những ngày qua, ngay cả khi kiệt sức leo bộ lên Tiger’ Nest suốt 8 tiếng. Nhưng giờ này, thật khó cất lên lời. Chỉ có thể nói là tớ nghẹn ngào và lo toan cho miền tiên cảnh cổ tích của các cậu. Tôi không đọc thơ Tản Đà, nhưng quả là lúc đó bài “Tống Biệt” có ngân lên qua ngàn thác trắng, qua những cánh rừng vàng rực lá thu. “Ngàn năm tiên cảnh, một bước trần ai”. Bước đi là tôi biết, cái ngày tôi trở lại, cảnh tiên đã biến mất đi nhiều phần, như Lưu Nguyễn tìm về Thiên Thai, chỉ thấy “cửa động, đầu non, đường lối cũ / ngàn năm thơ thẩn ánh trăng chơi”.
Đường về, ngồi ngắm đỉnh Everest sáng lóa tuyết trắng từ trên chín tầng trời, tôi lại băn khoăn tự hỏi: mình lo toan cho Bhtuan như vậy có là đa sự đa đoan quá không nhỉ?