Mặc dù nắm rõ các quy định về việc liên kết nhận khoán trồng cà phê, thế nhưng ông Nguyễn Trọng Hải (trú tại Tổ dân phố 6, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nguyên Phó Giám đốc Sở nội vụ vẫn cố tình bán hàng ngàn mét vuông đất liên kết trồng cà phê, thu lợi trái phép.
Khai man để trục lợi
Theo Hợp đồng kinh tế về việc liên kết sản xuất cà phê số 77D3/2013/HĐ giữa Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột (UBND tỉnh Đắk Lắk) với ông Nguyễn Trọng Hải thì ông Hải xin nhận diện tích giao khoán 5.830m2 sử dụng vào trồng cà phê liên kết.
Ông Hải cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật cũng như hợp đồng giao, nhận khoán đất. Mặc dù làm cán bộ tỉnh, nhưng ông Hải vẫn khai mình làm nông để được nhận đất liên kết. Thời hạn thuê được xác định từ ngày 5/11/2013 đến hết ngày 31/12/2030.
Trong đó quy định ông Hải phải sử dụng đất nhận khoán đúng mục đích, đúng quy hoạch và chịu sự hướng dẫn kiểm tra của bên giao khoán về kế hoạch sản xuất, quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm trong quá trình nhận khoán. Giao đất và thanh lý hợp đồng trước thời hạn khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, dân sinh, xã hội.
Không được giao lại đất khoán hoặc đơn phương chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được bên giao khoán chấp thuận.
Tuy trong hợp đồng ghi rất rõ các điều khoản cam kết giữa hai bên, thế nhưng ông Hải vẫn cố tình chuyển nhượng diện tích hơn 4,8 sào đất liên kết cho hàng chục hộ khác với giá 15 triệu đồng/m2.
Ông Hải cho biết ông nhận khoán diện tích này từ 2003 (lúc này ông đang là Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn), sau khi làm hợp đồng liên kết ông đã tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố nhưng không có ai ngăn cản. Hiện ông đã chuyển nhượng số đất này cho các hộ bằng hình thức giấy viết tay, không qua công chứng.
Theo ông Hải, do bấy giờ “tranh tối tranh sáng” nên không biết phường Tân An hay phường Tân Lập quản lý đất này và lúc đó ông đang có hộ khẩu ở phường Tân An. Theo ông Hải, để có thể xây nhà trên đất chỉ cần làm cái nhà nhỏ rồi xây lấn dần thì chính quyền địa phương không phát hiện được và khi phát hiện thì việc đã rồi, họ không làm được gì hết.
Ông Hải còn tự tin khoe, không chỉ ông làm được nhà mà nhiều hộ khác sau khi mua đất của ông đã cất nhà ở kiên cố. Ngay cả con trai ông là ông Nguyễn Trọng Đông (chuyên viên Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk) cũng vừa mới xây dựng ngôi nhà lớn trên đất này mà không có ai đến ngăn cản, làm phiền.
Sẽ xử lý theo quy định
Trao đổi, ông Ngô Hồng Nhật / Phó Chủ tịch phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Diện tích đất này mới bàn giao về cho Trung tâm quỹ đất thành phố, tuy nhiên theo quy định đất liên kết thì không thể đem bán. UBND thành phố vừa có công văn yêu cầu phường rà roát lại và kiên quyết không cho xây dựng mới. Việc quản lý đất đai khu vực này rất khó vì người dân chỉ mua qua tay, không ra chính quyền công chứng nên chúng tôi không thể kiểm soát hiện có bao nhiêu diện tích đã được sang nhượng.
Chúng tôi khuyến cáo người dân khi đi mua đất đừng thấy giá rẻ mà ham, cần phải đến chính quyền địa phương để được tư vấn. Hiện địa phương đang rất đau đầu vì những tồn tại phát sinh từ trước này.
Theo ông Vũ Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, hiện đất này vẫn do chính quyền địa phương quản lý, công ty cà phê giao cho ai làm cà phê thì cứ làm cà phê. Nếu họ xây dựng nhà cửa thì phải có giấy phép xây dựng. Chúng tôi sẽ cho cán bộ chức năng và phường xuống kểm tra cụ thể; cùng với đó sẽ rà soát lại để xử lý theo quy định. Nếu ai cố tình xây dựng trên đất thuộc lĩnh vực này thì UBND thành phố sẽ kiên quyết xử lý cưỡng chế.
Theo khẳng định của ông Hải, không chỉ có người dân ở các huyện về mua đất liên kết của ông mà còn có cả người có chức vụ và biết rất rõ về nguồn gốc đất liên kết. Như ông Văn Ngọc Thi (nguyên Giám thị Trại giam Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng mua mấy chục mét đất thuộc khu vực này để chờ lên giá. Cùng với đó, nhiều cán bộ công an, luật sư, viện kiểm sát cũng mua đất liên kết nơi đây xây nhà kiên cố nhưng không thấy ai bị xử lý.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc làm rõ việc mua bán đất liên kết tràn lan, thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến công tác quy hoạch của địa phương, trong khi những người này biết rất rõ về mục đích của việc sử dụng đất liên kết.