Mặc dù đã tăng lượng xả 1,07 tỷ mét khối nước hồ thủy điện nhưng kết thúc 3 đợt lấy nước vừa qua, 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ mới lấy đủ nước cho hơn 88% diện tích gieo cấy vụ đông xuân. Vì sao xảy ra tình trạng này và giải pháp nào để khắc phục đang là vấn đề đặt ra…
Vụ đông xuân năm 2017-2018, 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy 611.800ha lúa. Để cung cấp đủ nước sản xuất, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 12 tỉnh, thành phố thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng. Kết thúc 3 đợt điều tiết, các hồ thủy điện đã xả 5,74 tỷ mét khối nước, tăng 1,07 tỷ mét khối so với vụ đông xuân 2016-2017.
Tuy nhiên, sau 3 đợt xả nước, 12 tỉnh, thành phố mới lấy đủ nước cho 540.761ha, đạt 88,38% diện tích gieo cấy; trong đó 7 địa phương cơ bản hoàn thành, 3 địa phương khác có tỷ lệ diện tích đạt hơn 93%. TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang có tỷ lệ diện tích đủ nước đạt thấp nhất, lần lượt là 74,2% và 32,87%.
Theo ông Lê Xuân Uyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), nguyên nhân là do trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều địa phương chưa thu hoạch xong cây hoa, rau màu. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy lợi không thể đưa nước lên mặt ruộng mà chủ yếu bơm tích trữ trong hệ thống kênh mương nội đồng.
Đặc biệt, trong 3 đợt hồ thủy điện xả nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có 256 giờ (tương đương 70% tổng thời gian xả nước 3 đợt) không được duy trì ở mức yêu cầu (thấp nhất là 2,2m). Thực tế mức nước này khiến hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội như Trạm bơm Phù Sa, cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc, cống Long Tửu… không thể duy trì hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội còn một số địa phương chưa đủ nước sản xuất là: Đông Anh, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai. Để chủ động khắc phục, huyện Đông Anh đã tích trữ nước trong hệ thống kênh mương và cấp nước bổ sung bằng trạm bơm dã chiến; Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích đã lắp đặt Trạm bơm dã chiến Phù Sa, tiếp nguồn nước sông Hồng ở mức thấp, đồng thời sử dụng nguồn nước hồ Đồng Mô để hỗ trợ các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai… lấy nước sản xuất.
Về nguyên nhân mực nước sông Hồng không đạt mức cao nhất theo kế hoạch đã thống nhất, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong 3 đợt xả nước, Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành được 7/8 tổ máy do 1 tổ máy bước vào thời kỳ thay thế thiết bị định kỳ. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát sỏi quá mức khiến lòng dẫn, đáy sông Hồng ngày càng bị hạ thấp; biến đổi khí hậu khiến tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống liên tục gia tăng, mực nước sông Hồng tại thị xã Sơn Tây không đạt mực nước yêu cầu…
Để hài hòa lợi ích cấp nước sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm nguồn nước để phát điện trong mùa kiệt năm nay, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước mắt tăng cường phát điện để duy trì mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây khoảng 3,2m (tương đương với mực nước tại Hà Nội khoảng 1,5m) trong thời gian từ ngày 18-2 đến hết tháng 2-2018. Với mực nước này, các trạm bơm dã chiến của Hà Nội đủ điều kiện hoạt động để đưa nước vào đồng ruộng và tích trữ ở hệ thống ao hồ…
Tổng cục Thủy lợi cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam báo cáo kết quả đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng; đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc khai thác cát để hạn chế hạ thấp, biến đổi lòng dẫn sông Hồng; ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các trạm bơm cho các khu vực khó khăn về nguồn nước; ban hành cơ chế phối hợp giữa các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đầu tư các trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng, hạn chế việc xả nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện…