“Loại bỏ những rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi trao đổi với báo chí nhân dịp đầu Xuân mới Mậu Tuất 2018. Báo Thanh tra xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
+ Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể hiện rõ nét tại Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về tầm vóc và ý nghĩa của Nghị quyết này?
– Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được ban hành nhằm đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đa dạng và bền vững với tốc độ tăng trưởng cao, có chất lượng, có quy mô và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế mà chúng ta đang hướng đến, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Mang con số 10 ý nghĩa, Nghị quyết cho chúng ta nhớ lại gần 30 năm trước, Bộ Chính trị Khóa VI đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 (còn được gọi với cái tên thân thuộc là Khoán 10) đã đưa nền nông nghiệp nước ta “thay hình, đổi dạng” và phát triển vươn ra biển lớn.
Để có được “Khoán 10” năm xưa và Nghị quyết 10-NQ/TW ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới, tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến mới quan trọng. Nếu như “Khoán 10” ra đời làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp, trao quyền tự chủ cho hộ nông dân, nhất là quyền sử dụng đất với mức khoán ổn định lâu dài và lựa chọn các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp thì Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII đã chính thức đem đến sự bình đẳng cho kinh tế tư nhân phát triển trên bệ phóng có tầm vóc và quy mô lớn hơn; khẳng định sự đột phá trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, loại bỏ những rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
+ Từ chủ trương của Đảng, Chính phủ trong những năm qua đã có nhiều Nghị quyết quan trọng để dẫn dắt hệ thống chính quyền thực hiện chủ trương đó. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào đối với các bộ, ngành khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ?
– Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Trong 4 năm liền, từ năm 2014 tới năm 2017, Chính phủ ban hành 4 nghị quyết đều mang số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong năm 2017, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh theo các Nghị quyết 19, Chỉ thị 26, Nghị quyết 35 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp các doanh nghiệp này có thêm cơ hội, điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 27, thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết 24 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020…
Các bộ, ngành cũng đã tích cực nhiều hơn vào thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đến nay, đã chuẩn hóa, cắt giảm và đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Riêng trong năm 2017, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, một quyết định mạnh mẽ để cắt giảm, gỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy các bộ, ngành đã tích cực đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tránh tình trạng giảm bớt các điều kinh doanh nhưng “mọc lại giấy phép con”. Điều này góp phần thể hiện rõ hơn về triển vọng tăng trưởng của khu vực tư nhân trong thời gian tới, củng cố niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chủ động vào cuộc, coi trọng và tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nhờ đó, khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, đến nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân theo đúng nghĩa, một số ít đã trở thành các tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu uy tín trong khu vực. Đặc biệt, nhận thức, nhìn nhận của xã hội, từ chỗ xem thường, coi nhẹ đến đề cao, tôn vinh những doanh nhân thành công trên thương trường khắc nghiệt.
Chúng ta có thể thấy rõ hơn khu vực kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta qua một số chỉ tiêu như: Đóng góp tới 40% GDP và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực này đang ngày càng cao hơn so với các khu vực kinh tế khác, gấp hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực Nhà nước. Đã dần hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô, năng lực cạnh tranh mạnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng dần theo các năm, đặc biệt trong năm 2017 đã có gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gần 26,5 nghìn doanh nghiệp khó khăn đã quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư đăng ký và bổ sung đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước đến nay.
Những kết quả đó phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về thực tiễn vai trò của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay và cũng khẳng định sự phát triển đúng hướng trên con đường hội nhập.
+ Kết quả năm 2017 là tích cực, có ý nghĩa rất quan trọng cho cả giai đoạn phát triển 2016 – 2020, theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì trong giai đoạn tới?
– Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Với sự quyết tâm hành động của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cả nước đã đạt được kết quả rất quan trọng trong năm 2017, tạo động lực cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.
Chúng ta đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Quốc hội giao, trong đó có 5/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đạt được những kết quả tăng trưởng đáng khích lệ trong năm 2017 là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dưới 4%; giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; tín dụng tăng đều, lãi suất cho vay giảm 0,5 – 1%. Khu vực công nghiệp đã lấy lại vai trò là động lực của tăng trưởng; khu vực dịch vụ tăng mạnh. Thị trường trong nước và xuất khẩu phát triển tốt; giá phục hồi; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách mạnh mẽ, chú trọng đi vào tăng chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện (môi trường kinh doanh tăng 14 bậc và chỉ số năng lực cạch tranh tăng 5 bậc so với năm 2016); đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, giảm được 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đang tiếp tục xây dựng các văn bản để cắt giảm khoảng gần 3.000 điều kiện kinh doanh, bảo đảm các quy định theo Luật Đầu tư và hướng tới tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá 1 lần/ năm. Hệ thống quản lý đã quyết liệt đổi mới phương thức làm việc, chống trì trệ, các diễn đàn, đối thoại chính sách được tổ chức kịp thời, công tác kiểm tra, đôn đốc được tăng cường, các bộ, ngành, các địa phương đã nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là: Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, mức độ cải thiện của TFP có dấu hiệu giảm sút; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ công cao; dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Còn nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế. Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. Phát triển thị trường khoa học – công nghệ còn khó khăn; số doanh nghiệp tham gia còn ít, quy mô nhỏ. Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Vẫn còn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng, lừa đảo trong kinh doanh bán hàng đa cấp, tín dụng đen…
Nhiều vấn đề xã hội phát sinh, tồn tại chưa được giải quyết triệt để. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng. Việc giám sát, thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông. Còn xảy ra ngập, úng tại một số thành phố lớn. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân.
+ Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên và tận dụng những thành quả của những năm trước, đặc biệt là năm 2017, Chính phủ sẽ làm gì để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 – năm bản lề của cả giai đoạn 2016 – 2020?
– Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động của năm 2018 là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”; điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính – NSNN ở tất cả các ngành, các cấp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử. Nỗ lực phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người dân, an sinh xã hội; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!