Thời gian qua, công tác trồng rừng của các địa phương trong cả nước đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực trồng rừng thay thế chưa đạt yêu cầu, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả cộng đồng xã hội để trả lại mầu xanh cho rừng.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo việc thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, ngành lâm nghiệp đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện, qua đó xác định, cả nước đã trồng gần 46 nghìn ha, đạt 69% tổng diện tích phải trồng; trong đó, các dự án thủy điện trồng 22 nghìn ha, đạt 96% tổng diện tích phải trồng bù; các dự án kinh doanh và công trình công cộng trồng được gần 21 nghìn ha, thấp hơn so với yêu cầu đặt ra. Những địa phương thực hiện chậm như Lâm Ðồng, Sơn La, Thừa Thiên – Huế. Riêng đối với các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh phần lớn thực hiện chậm, nhất là các dự án đã chuyển đổi lâu, chuyển chủ dự án, dự án đã hoàn thành. Trong đó có nhiều doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện trồng rừng thay thế, hoặc không nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.
Ðối với dự án chuyển sang mục đích phúc lợi xã hội, an ninh quốc phòng, mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho các địa phương tổng hợp kết quả trồng rừng thay thế vào kế hoạch trồng rừng mới của địa phương nhưng đến nay, một số nơi vẫn chưa tổng hợp để triển khai thực hiện, nhất là các tỉnh Tây Nguyên còn 7.265 ha. Có dự án tỉnh lại không bố trí được quỹ đất trồng rừng như Bình Phước (1.533 ha). Trong khi một số tỉnh có diện tích trồng rừng thay thế nhưng chưa hoặc chậm triển khai như Hà Nam (3.384 ha) và Ðồng Nai (265 ha). Riêng tỉnh Hà Nam, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có văn bản yêu cầu địa phương về thực hiện trồng rừng thay thế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Do vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề nghị chuyển tiền về quỹ Trung ương để triển khai trồng rừng ở các địa phương khác.
Việc trồng cây gỗ lớn thay thế gỗ nhỏ dùng làm nguyên liệu giấy, ván dăm là cần thiết. Hiện nay trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nguyên liệu, còn 80% phải nhập khẩu, trong khi diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%, còn lại là rừng gỗ nhỏ. Vì vậy, theo Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư cần thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, tranh thủ trồng rừng thay thế để có đủ nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế, Bộ NN và PTNT đã ban hành văn bản quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó việc quản lý, thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế được thực hiện theo nguyên tắc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; có phương án trồng rừng thay thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt với diện tích ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác; hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án phải tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền để trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chủ đầu tư tự tổ chức trồng rừng thay thế phải có diện tích đất chưa có rừng được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật. Kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án; đơn giá trồng rừng thay thế do UBND cấp tỉnh quyết định.
Bộ NN và PTNT cũng chỉ đạo riêng về quản lý, sử dụng rừng trồng thay thế sau đầu tư, đối với diện tích rừng được hình thành do chủ đầu tư tự trồng, chủ đầu tư tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; được hưởng lợi và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Ðối với diện tích rừng sản xuất của hộ gia đình được hỗ trợ trồng từ kinh phí trồng rừng thay thế, hộ gia đình có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; được hưởng lợi và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với rừng sản xuất.
Hy vọng quy định mới về công tác trồng rừng thay thế cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc trồng rừng, đẩy mạnh và nâng cao một bước trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà quản lý và người dân nhằm góp phần nâng cao độ che phủ của rừng như mục tiêu Nhà nước đã đề ra.