Từ thời săn bắt hái lượm cho tới ngày nay, xã hội loài người luôn phải sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Không có thực vật và động vật, cuộc sống của con người sẽ không thể tiếp diễn. Thiên nhiên đem lại cho chúng ta oxy, nước, đất, thức ăn và trang phục… từ thuở sơ khai. Ngay cả các nhiên liệu hóa thạch mà con người sử dụng ngày nay cũng là kết quả của quá trình hấp thụ năng lượng mặt trời của hệ sinh thái Đại Cổ Sinh.
Tuy nhiên, trong khi sự tồn tại của thiên nhiên hoang dã là điều sống còn đối với chúng ta, con người lại chưa đủ kiến thức, hiểu biết về hàng chục ngàn sinh vật mà chúng ta chung sống. Trong suốt quá trình phát triển của con người, các đại dương, sông suối đã cung cấp nguồn cá; đồng cỏ và rừng đã cung cấp thịt; cây cối cho hoa quả và rau xanh; các hệ sinh thái điều hòa thời tiết phù hợp và đem lại nguồn nước sạch…
Chúng ta thuần hóa một số động vật hoang dã để trở thành vật nuôi, cung cấp cho ta sữa, thịt và quần áo. Những con chó hoang đã phát triển qua nhiều năm để trở thành những con chó nhà, giúp săn bắn và bảo vệ con người. Những loài cây ăn quả và các khu rừng trên thế giới được thụ phấn nhờ dơi, chim, sóc và ong. Và từ những khu rừng này con người đã xây dựng nhà ở để trú ẩn, tạo ra lửa để giữ ấm, làm ra những chiếc thuyền để vượt biển, những quyển sách mang những kiến thức của nhân loại.
Khi khoa học phát triển, chúng ta dựa trên những loài hoang dã, phát triển công nghệ để cải thiện cuộc sống, tạo ra các loại thuốc cứu sống được hàng triệu người mỗi năm. Con người đã điều chế được thuốc trị huyết áp từ nọc độc rắn vipe và mượn insulin từ tụy lợn…
Trớ trêu thay, bất chấp tất cả những lợi ích mà động vật hoang dã đem lại cho con người, chúng ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng bởi chính con người. Con người thống trị 70 % diện tích đất đai trên hành tinh. Trong thế Nhân sinh (Anthropocene), con người là lực lượng chiếm ưu thế, với số dân đang tăng lên trên 7 tỷ người. Chỉ vì con người mà số động vật hoang dã đã giảm đi hơn 50% so với thời điểm năm 1970. Chúng ta đang giết chết động vật hoang dã và các hệ sinh thái của chúng ta trong một cuộc tàn sát chưa từng thấy, một hiện tượng mà ngày nay được biết đến với tên gọi “cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu”.
Con người đang đánh bắt hải sản quá mức tại các đại dương, khai thác cạn kiệt rừng, và săn bắn tiêu diệt nhiều loài động vật rừng. Riêng rừng nhiệt đới Amazon sản sinh ra khoảng 20% lượng oxy của trái đất, nhưng đang liên tục bị tàn phá bởi trang trại chăn nuôi bò, săn bắn, khai thác mỏ, xây đập và đường xá.
Nhiều rừng nhiệt đới khác đang trong giai đoạn bị tàn phá thậm chí còn thảm khốc hơn từ nhu cầu thị trường của con người. Ở châu Phi và châu Á, một số loài sinh vật lớn nhất và đáng sợ nhất – hổ, tê giác, voi – đang trên bờ vực tuyệt chủng cùng với những loài ít được biết đến hơn, và một số loài đã biến mất hoàn toàn.
Năm 2014, những kẻ săn bắn trái phép đã giết chết khoảng 35.000 con voi để lấy ngà làm đồ trang sức. Nhu cầu vây cá mập trong các bữa ăn xa xỉ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 100 triệu con cá mập mỗi năm. Các khu rừng Sumatra – nơi duy nhất trên trái đất mà tê giác, hổ, voi và đười ươi cùng tồn tại – đang bị phá hủy với một tốc độ nhanh chóng.
Thương mại các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đang trở thành một thị trường toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la, đứng ngang với súng và thuốc trở thành một trong những thị trường hắc ám nhất. Trong khi đó, nhiều loài không bị săn bắt và buôn bán cũng đang dần biến mất vì môi trường sống bị phá hủy.
Sự mất mát của các loài là một bi kịch gây ra những tác động sâu rộng. Đã đến lúc con người phải đặt ra câu hỏi cấp bách nhất của thời đại: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục hủy diệt sự sống của thiên nhiên hoang dã?