Kỳ 6: Xử lý tội phạm động vật hoang dã: Luật đã gỡ nhưng thực thi còn bí
Từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, bắt đầu có hiệu lực pháp luật. Trong đó, các quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã(ĐVHD) được qauy định chặt chẽ hơn, hình phạt tiền và tù đều tăng, khung hình phạt tối đa lên tới 15 tỷ đồng và 15 năm tù giam.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ
Kỳ 5: “Đại bản doanh” thú rừng giữa chợ Lào
Thắt chặt quy định về tội phạm ĐVHD
Nhận định chung của các chuyên gia cho rằng quy định của Việt Nam về tội phạm ĐVHD ngày càng được thắt chặt. Tội phạm ĐVHD “xuất hiện” trong BLHS đầu tiên của Việt Nam năm 1985, lúc này được quy định chung chung trong tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng với hành vi săn bắt trái phép chim, thú. Khung phạt cao nhất là ba năm tù.
Đến BLHS 1999, lần đầu tiên thuật ngữ “động vật hoang dã” được luật hóa. Mức phạt tiền cao được nâng lên 50 triệu đồng và phạt tù lên tới 7 năm. Lúc này, Luật mới chỉ điều chỉnh bốn hành vi săn bắt, giết, vận chuyển và buôn bán trái phép ĐVHD và chỉ điều chỉnh nhóm ĐVHD quý hiếm bị Nhà nước cấm buôn bán và các sản phẩm của chúng, chưa điều chỉnh các loài hoang dã ngoài danh mục cấm.
Năm 2009, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung đã điều chỉnh tăng mức xử phạt hành chính vi phạm về buôn bán ĐVHD gấp 10 lần, đồng thời bổ sung tội danh “nuôi nhốt” trái phép ĐVHD. Những thay đổi tích cực này cho thấy BLHS đã bám sát ở thực tiễn về quản lý ĐVHD. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định vẫn chưa đủ mạnh và đủ rộng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Công ước CITES từ năm 2004. Phạm vi điều chỉnh của BLHS 2009 vẫn chỉ giới hạn trong các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong nước, chưa bao gồm các loài không có ở Việt Nam được buôn bán xuyên quốc gia hay các loài hoang dã khác. Hành vi “tàng trữ” ĐVHD, mặc dù rất phổ biến, vẫn chưa bị xử lý.
TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TAND Tối cao cho biết trong 3 năm qua, việc xét xử tội phạm về ĐVHD đã nóng dần lên. Năm 2015, TAND tối cao xét xử 36 vụ. Con số tương ứng của năm 2016, 2017 là 84 và 87. Trong đó, tội phạm buôn lậu qua biên giới về ngà voi, sừng tê với số lượng ngày càng lớn, trước dây nếu tính bằng kilogam, nay có vụ đến cả tấn, thậm chí container. |
Dấu mốc 2017
BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã khắc phục được những hạn chế nói trên với việc đưa vào hai điều 234 và 244, tách riêng hai nhóm tội phạm về ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và nhóm ĐVHD khác. Một số chuyên gia tư pháp đánh giá là đây là Luật “cấp tiến” nhất từ trước tới nay về xử lý tội phạm ĐVHD. Phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng và cơ bản đã bao trùm được toàn bộ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Các quy định trong BLHS mới đã chính thức mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các loài ĐVHD trong Công ước CITES.
Theo luật mới, cả mức phạt tiền và án phạt đều tăng mạnh, phạt tiền tối đa 15 tỉ đồng đối với pháp nhân và án phạt cao nhất 15 năm tù đối với cá nhân – tăng hơn hai lần so với BLHS trước đó. Trong bối cảnh BLHS 2015 mang tư tưởng nhân đạo và được xây dựng theo hướng giảm nhẹ nhiều hình phạt, nhiều tội danh bỏ hình phạt tử hình thì tội phạm liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm lại tiếp tục tăng nặng khung hình phạt. Điều này cho thấy Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế trong công tác đấu tranh chống tội phạm về ĐVHD.
Triển khai khó khăn
Mặc dù luật mới đã có nhiều cải cách so với trước, song các chuyên gia cho rằng việc xử lý hình sự tội phạm ĐHVD sẽ vẫn chưa hết gian nan vì phần lớn vướng mắc đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay chưa thể giải quyết bởi BLHS mới.
Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội và là một trong những thành viên trực tiếp xây dựng nội dung về tội phạm ĐVHD trong BLHS 2015 (sửa đổi 2017), song ông vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo ông, việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vi phạm quản lý ĐVHD vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Luật cũng đã quy định xử lý cả hành vi “tàng trữ” nhưng chưa có hướng xử lý đối với các hiện vật đã được “tàng trữ” từ trước khi luật có hiệu lực và cũng chưa có cách để xác định được việc “tàng trữ” diễn ra trước hay sau khi có luật.
Ông Phạm Quý Tỵ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội cho biết trước khi xây dựng BLHS 2015, ông đã cùng đoàn kiểm tra liên ngành gặp gỡ các cơ quan chức năng như kiểm lâm, hải quan, công an, TAND và Viện kiếm sát của 6 tỉnh thành trao đổi về vướng mắc trong xử lý tội phạm ĐVHD. Nhìn chung, vi phạm về quản lý ĐVHD rất phổ biến tại các tỉnh song tỉ lệ xử lý được không cao, lại chủ yếu là xử phạt hành chính.
Xử lý hành chính vẫn là chính
Ông Tỵ cho biết có địa phương xử 35 vụ vi phạm về ĐHVD thì có tới 34 vụ xử lý hành chính. Xử lý hình sự là cực kỳ khó khăn. Việc định giá tang vật vi phạm hiện còn rất vướng. Thông tư liên tịch số 19/2007 quy định sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm bị buôn bán vận chuyển trái phép đã qua chế biến, chế tác (như sừng tê, ngà voi…) sẽ bị xử lý như hàng cấm, song hàng cấm thì không thể định giá, vì vậy những vụ việc gắn với tang vật này hầu như không thể xử lý hình sự.
Trên thực tế, các cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp có xu hướng muốn áp dụng xử phạt hành chính thay vì khởi tố vi phạm về ĐVHD và điều này cũng đã được thẳng thắn nhìn nhận tại Tọa đàm về thúc đẩy thực thi pháp luật về ĐVHD ngày 30/1/2018 do Change tổ chức tại Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ các cơ quan “né” hình sự hóa các vụ việc một phần do lúng túng khi phải đối mặt với quy trình chặt chẽ về giám định và bảo quản tang vật. Chưa kể, đối tượng bị bắt trong hầu hết các vụ việc không phải là chủ hàng, họ chỉ là những người nghèo được thuê vận chuyển hoặc mang vác hàng.
Ông Tỵ cho rằng danh mục các loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ giữa các nghị định 32/2006/NĐ-CP và 160/2013/NĐ-CP vẫn còn vênh nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng xử phạt. Đến thời điểm 01/01/2018 khi BLHS mới có hiệu lực, những lỗ hổng này vẫn chưa được giải quyết.
Có thể sẽ xây dựng án lệ
TS. Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán TAND Tối cao cho biết mặc dù các cơ quan đã nỗ lực xây dựng luật ngày càng hoàn thiện, song thực tế vi phạm về ĐVHD vẫn không ngừng nảy sinh những tình huống ngoài luật. Vụ việc trộm trứng Vích ở Côn Đảo xảy ra năm 2017 là một dẫn dụ. Đây là lần đầu tiên một vụ án buôn bán trứng rùa biển được đưa ra xét xử. Tòa đã tuyên án 3 bị cáo, trong đó có 2 án cải tạo không giam giữ và 1 án phạt 50 triệu đồng. Bà Trâm nhấn mạnh vụ việc thể hiện sư quyết tâm xử lý của cơ quan chức năng để làm điển hình vì trong luật “trứng” của ĐVHD không được quy định, cũng rất khó xác định “trứng” có phải là “sản phẩm” hoặc “bộ phận không thể tách rời sự sống” của động vật hay không. Tương tự, trong các phiên tòa hiện nay vẫn còn những tranh cãi kiểu như “sừng tê, ngà voi, vảy tê tê” có phải là bộ phận không thể tách rời của các vật chủ hay không, nếu mất chúng, các cá thể có thể sống sót hay không… Bà Trâm cho biết trong thời gian tới TAND tối cao sẽ nghiên cứu các vụ án xét xử tại địa phương, phối hợp với Viện kiểm sát cùng các cơ quan điều tra, các tòa án tại địa phương thảo luận cụ thể xem xét xây dựng một số án lệ.