“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán đông vật hoang dã ở Việt Nam – Kỳ 4

Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ

Việt Nam còn rất ít chúa sơn lâm trong tự nhiên, cả kể hổ nuôi nhốt trái phép cũng không nhiều, do đó các mặt hàng như hổ sống, hổ đông lạnh, cao hổ, móng hổ hay “tửu táng” chúa sơn lâm… đa phần đều có nguồn “nguyên liệu” từ các nước khác, đặc biệt là Lào. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao có thể vận chuyển nguyên cả một cá thể hổ nặng hàng tạ về Việt Nam mà không bị phát hiện? Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chúng tôi cũng có thắc mắc tương tự và cuối cùng điều bí mật đã được bật mí. Lời kể của “đại gia” tên C. rành rọt, chi tiết tới mức tưởng chừng như chúng tôi đang tham gia vào một vi phụ mua bán, vận chuyển hổ trái phép qua biên giới Lào – Việt Nam. C. được xem là ông “trùm” trong nghề buôn bán cao hổ, thậm chí từng nhiều lần thuê người hoặc trực tiếp luyện hổ cốt và vận chuyển hổ từ Lào về Việt Nam.

Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội

Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt

Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm

Với kinh nghiệm nhà nghề, C. cho hay hổ thường được vận chuyển từ các nước khác về Việt Nam qua đường bộ, đường tiểu ngạch qua biên giới, nếu hổ to quá, dân buôn sẽ cắt khúc, lọc thịt nhưng để nguyên da và xương, lòng ruột vứt hết, số da và xương đó sẽ được ướp đạm, ướp phoóc-môn vận chuyển sang Việt Nam tiêu thụ.

Để dễ bề vận chuyển về Việt Nam, các đối tượng tiến hành xẻ thịt, cắt khúc hoặc chỉ vận chuyển xương hổ (Ảnh do một số đối tượng “chào hàng” qua facebook)

Để qua mặt được lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quan cửa khẩu, C. nhấn mạnh cần phải có mối quan hệ quen biết: “Chẳng có biên giới nước nào mà không có đường rừng cả, mình đi đường đó, nếu không mình đi đường chính, đi không được thì mình lại đút lót. Giờ họ ít đi đường rừng, chủ yếu là đường chính ngạch nhưng phải có quan hệ, biết được ca trực của người quen đó, giờ nào hàng về, hôm nào về, thậm chí hôm nay bảo về nhưng thực ra không về để đánh lạc hướng”.

“Ví dụ ngày xưa có người mua con hổ giá khoảng 1 tỉ nặng gần 2,5 tạ, người bán còn nhét được cả hòn đá 15kg vào bên trong bụng nó nữa. Để vận chuyển được, nó phải đi một cái xe 16 chỗ. Khi xe di chuyển thì thuê thêm 2 chiếc xe khác nữa giống hệt, ba cái xe giống nhau đi cách khoảng 1km, lại cùng biển số nên chẳng biết cái nào, tức là bắt được cái xe này thì xe kia chạy. Khi nhận hàng, chỉ cần bấm nút nâng hầm xe lên là bên dưới có hổ, chỗ đó 2 người nằm cũng vừa” – C. bật mí.

“Hàng” khi chuyển về Việt Nam trót lọt sẽ giao luôn cho khách đặt mua hoặc tự C. xẻ ra nấu cao. Một con hổ tầm 1,5 tạ, theo C. róc được 12% xương tươi tức khoảng 18 kg, số xương này luyện được 3 kg cao. Khi nấu, cho thêm cả xương mai rùa, xương khỉ, sơn dương, nhung hươu… và đặc biệt không được đi đông người, toàn bộ quy trình gói gọn trong 3 ngày.

So với hổ sống thì việc vận chuyển hổ đông lạnh dễ dàng hơn nhiều (Ảnh do đối tượng gửi qua facebook)

Cũng theo C., nếu ở nước ngoài, để nấu được một nồi cao phải trốn vào rừng, còn ở Việt Nam thì đưa ra đảo hoặc trà trộn vào khu nhà chế biến thức ăn của một đơn vị đặc biệt (vì trong đấy được quyền mổ cả bò mà), sau khi róc thịt, lọc xương thì đập xương vụn ra để đỡ bị phát hiện, ai hỏi gì thì bảo đang nấu phở cho anh em, thế là khỏi xét nghiệm?!

Không chỉ thật thà chia sẻ các quái chiêu trong nghề luyện hổ cốt, C. còn tiết lộ giá nấu một nồi cao hổ tầm 50 triệu và sẵn sàng đi cả Lào, Mỹ để nấu nếu cần. Về nguồn hổ tươi, C. cho hay bên Lào có nhiều trang trại nuôi nhốt hổ, nơi thì đào hầm sâu nuôi hổ và bên trên có phủ lưới, nơi thì nuôi trong hẻm núi… Thậm chí, ở Lào còn có chợ của riêng người Việt chuyên bán các loại xương để phục vụ luyện cao.

Giáp Tết, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra sôi nổi, dưới nhiều hình thức che giấu tính vi nên việc phát hiện, xử lý các vi phạm này gặp không ít thách thức. Là người trực tiếp điều tra, bắt giữ một số vụ vi phạm gần đây, Thiếu tá Bùi Hồng Minh, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Viễn, Ninh Bình cho biết: “Khi có thông tin mật báo, chúng tôi phải kiểm tra, xác minh. Ví dụ như vụ vận chuyển bàn tay gấu từ Lào về, chúng tôi cũng phải giám sát, trinh sát theo để xem các đối tượng có chuyển xe, bỏ hàng, cất giấu hay thả hàng ở một địa điểm khác hay không. Khi đến địa bàn, chúng tôi lập tức bắt giữ. Thường thì các thủ đoạn che dấu của đối tượng rất tinh vi, đặc biệt là khi vận chuyển động vật hoang dã trái phép từ Lào về. Xe sẽ được thiết kế thêm các bộ phận giống như bình xăng, két nước mà nếu nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện. Đặc biệt, khi bị bắt giữ, các đối tượng đều khai nhận là mua của các chủ hàng không rõ tên tuổi, không nhớ chính xác địa chỉ ở đâu. Do đó, để bóc gỡ được các đường dây, phải giám sát rất kỹ và phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị cấp cục, bộ”.

Hơn 20 tay gấu và nhiều loại động vật khác được các đối tượng vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ (Ảnh do Công an Ninh Bình cung cấp).


Kỳ 5: Tam Giác Vàng – “đại bản doanh” nuôi nhốt hổ