Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Từ lời giới thiệu của H., phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường lập tức bắt mối với N., một trong những “mắt xích” quan trọng nhất trong đường dây buôn bán động vật hoang dã ở phía Bắc Việt Nam.
Kỳ I: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Từ đầu mối cao khỉ
Do được chính người anh dẫn lái nên phần nào chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng từ N., nhất là khi nhóm ngỏ ý được vào xem hàng tận nơi với thái độ rất cầu thị. Có vẻ N. đã nắm được “thóp” của khách hàng khi muốn mua cao khỉ nên qua điện thoại, ông chủ này đã vào đề ngay: “Khỉ sống thì không có đâu, bây giờ chỉ có loại chết rồi, làm sạch lông, bỏ ruột rồi bỏ tủ đá cho đỡ hao, khi cần thì chỉ việc đem nấu thôi”. Thấy chúng tôi chưa tin vì luôn miệng đòi xem hàng, N. cho biết sẽ gửi ảnh và video qua zalo kèm lời nhấn mạnh: “Con khỉ thì làm sao mà giống con chó được. Nó hình giống như con người mà, anh vào tận nơi lấy cũng được, em chuyển ra cũng ok, em bán với giá 300.000 đồng/kg. Con to thì tầm 5 – 6 kg.
Ngoài ra, hiện nhà em còn có bộ xương Sơn Dương tầm 14 – 15kg, bộ này còn cả đầu, cả móng. Quan trọng là mình nấu bao nhiêu hàng, ví dụ 30 kg khỉ thì cần 5 – 6 kg sơn dương. Bằng đấy cho ra khoảng 5 – 6 kg cao là vừa”. “Anh vào lấy thì hay hơn anh ạ. Không thì em gửi ra Bến xe Nước Ngầm rồi anh nhận. Gửi xe khách tầm 10 giờ tối chạy từ em ra đó cỡ 7 rưỡi, 8 giờ. Còn nếu vào Nghệ An thì lấy hàng ở Diễn Châu. Các anh yên tâm, bây giờ em gửi hàng thì ai biết ở trong có cái gì. Mình cứ ra xem số điện thoại ghi trên bì, đúng của mình thì mình nhận”.
Khi dò hỏi thêm các nguồn hàng khác, N. nhanh nhảu: “Khỉ bình thường mà, có phải hổ đâu. Đến sừng tê, ngà voi em còn cấp cho anh được, khỉ chỉ là hàng bình dân, đẳng cấp phải là cao hổ, báo. Em sẽ gửi qua zalo cho anh, làm thịt hoặc nguyên con còn sống cũng có. Số lượng bao nhiêu, hàng tươi, hàng đẹp đều có hết. Nếu thích nấu em chuyển tận nơi hoặc có người đến nấu tận nhà, cao gì cũng có”.
Trong quá trình tìm hiểu “thị trường” ở Nghệ An, nhóm đã lân la tại khá nhiều tụ điểm ở Con Cuông, Tương Dương và các chủ nhà hàng tại đây đều khẳng định sẵn sàng phục vụ các loài mèo rừng, lợn rừng, cầy hương, chồn… tươi, sạch từ rừng?! |
Kết thúc màn chào hàng qua điện thoại, N. gửi luôn loạt ảnh và video rất sống động. Giữ lời hứa với ông chủ, cả nhóm có mặt liền tại Nghệ An để mục sở thị các món hàng cần kíp. Nhà N. nằm ven quốc lộ 1A, gần cầu Yên Lý, nhà ngoài cũng treo rất nhiều đầu lâu, sừng cảnh như tại cửa hàng nhà ông anh ở ngoài Thanh Oai, Hà Nội. N. giới thiệu: “Nhà có buôn bán sừng cảnh, loại này bắn hoang dã, lấy từ nước ngoài, sừng này có thể làm cảnh hoặc nấu cao, nấu cao còn có khỉ, khỉ sống sẽ đắt hơn khỉ đông đá, ví dụ khỉ đông đá 300.000 đồng/kg thì khỉ sống phải 600.000 đồng/kg, nó đắt hơn vì khó vận chuyện, khi chuyển nó hay kêu dễ bị phát hiện, cân nặng cũng hao hụt…”.
Sau một hồi tiếp thị mà vẫn chưa thuyết phục được khách hàng khó tính, N. ra phía sau nhà và ra hiệu cho cả nhóm đi theo. Cách khu nhà chính chừng vài chục bước chân, N. đặt nguyên hai nồi áp suất cỡ lớn để luyện cao, bên cạnh vẫn còn nguyên những tải xương đỏ máu, N. bảo đó là xương mèo được gom từ các cửa hàng “tiểu hổ” để luyện cùng.
Đi sâu vào phía trong, N. tiếp tục mở kho hàng bí mật cho khách mục sở thị. Xương thú chất chồng trong gần chục tủ đồng, khối lượng ngót nghét cả tấn. Dù đóng đá nhưng những chiếc đầu lâu và xương thú vẫn bốc mùi hôi tanh nồng nặc. “Cái này là đầu ngựa dùng để nấu cao ngựa bạch, cái này là đầu sơn dương rừng, đây là khỉ, còn cái này là xương mèo, xương ngựa… Ở đây, mình bán cho dân thường đã là 300.000 đồng/kg rồi, không bớt nhé, lẽ ra khách tỉnh phải nhích hơn đấy, đảm bảo hàng tươi, sạch, muốn bao nhiêu cũng có”.
Khi ngỏ ý muốn xem “hàng” sống hoặc còn lông, N. trỏ luôn: “Nếu muốn còn lông thì có con vượn này, hàng này thông dụng. Đây là con vượn bạc má. Nếu sếp mua nên nói với sếp là chọn con đã làm sạch ruột, sạch lông cho nó đỡ hao”. Với cao hổ và các sản phẩm từ hổ, tê giác, N. thận trọng: “Hổ là hàng cấm, mình không để đây nhưng nếu cần thì mình vẫn giúp được”. Và thông tin giá trị nhất trong câu chuyện với N. là một đầu mối tiếp theo tại Phú Thọ, một tay lão luyện trong nghề luyện cốt tên Y.
Đến tiết lộ của trùm luyện hổ cốt
Việc tiếp cận Y. giống như N., cũng không mấy khó khăn. Nhà Y nằm lọt thỏm trong con phố cũ nhưng không quá khó để tìm. Y. vốn là tay săn thú rừng khét tiếng ở Phú Thọ nhưng do nhiều năm gần đây thú rừng không còn nhiều nên ông chuyển sang nghề nấu cao, thường nấu cho anh em họ hàng hoặc bán, khi nào có người thuê nấu, Y. cũng sẵn sàng phục vụ tận nơi.
Vẫn với lý do “săn cao quý hiếm để biếu sếp dịp Tết và muốn chứng kiến toàn cảnh việc nấu cao từ đầu đến cuối”, Y. vào bếp lấy ra một túi bóng màu trắng, bên trong có chứa một chất đông đặc như đường mía: “Đây là cao khỉ, nguyên chất đấy, tôi cùng mấy anh em vừa nấu cách nay một tháng, khỉ thì toàn mua của người dân xung quanh Vườn quốc gia Xuân Sơn, ở đó thỉnh thoảng họ vẫn săn bắt được”.
“Cao khỉ tôi bán 500.000 đồng/lạng. Khỉ thì bắt sống hoặc bị bắn rồi mang về làm thịt ăn, xương đem nấu cao, giờ khỉ tươi bán 900.000 đồng/kg, khỉ khô bắn ở Lào và Campuchia, sau đó sấy khô mang về thì rẻ hơn. Hiện tôi biết ở Yên Bái con hai con khỉ, mỗi con hơn chục cân, một con khỉ mặt đỏ rất quý hiếm, nếu mua về nấu cho thêm ít gạc hươu nữa, mỗi nồi cho thêm mấy chỉ thuốc phiện để cho nó dẫn thuốc nữa là tuyệt” – ông Y. tỏ rõ ngón nghề.
Cũng theo ông, những năm trước, vào Vườn quốc gia Xuân Sơn bắn được đầy khỉ, giờ thì thi thoảng mới bắn được. Tháng trước ông vừa nấu một nồi 6 con, 5 người chung nhau, mỗi người hơn chục triệu đồng. Khi đề cập đến các loại cao cấp hơn như cao gấu, hổ, ông bật mí: “Gấu chỉ có gấu khô thôi, lấy ở rừng Lào giáp Sơn La và khu Bình Phước giáp Campuchia ấy. Chủ yếu là gấu khô, nếu để tươi mà đi săn cả tháng thì hỏng hết… Vừa rồi, trên thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xuất hiện con gấu gần tạ nhưng không ai bắn được. Rừng bên Yên Lập (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng mới có người gọi tôi bảo là có đàn 50 – 70 con khỉ xuống ăn hết ngô của bà con, mình vào săn nhưng không gặp”.
Không chỉ chia sẻ về các đầu mối gom hàng, ông Y. còn bật mí nhiều mánh trong nghề luyện hổ cốt: “Xương hổ khác hẳn với các con khác, không dễ pha trộn, xếp theo bộ của nó không chệch được, khi nấu lên cô lại, váng bẩn phải vớt bỏ đi, như luộc thịt, nấu phải có nghệ thuật. Ngày xưa nấu một con chăn 20 kg, hợp đồng với chủ mỗi lạng cao thành phẩm mình lấy 50.000 đồng, bình thường chỉ được 2,5 kg cao nhưng mình nấu được 5 kg, có người nhà ngồi trông đó, họ dùng sắt 6 cài vào vung nồi để khóa rồi cầm chìa khóa và phân công nhau trông nhưng mình vẫn trộn các thứ khác vào được, nghệ thuật lắm”.
Hóa ra, bí quyết của Y. nằm ở việc trộn bột xương khi luyện cao: “Xương phải nghiền nhỏ cho vào túi, nếu không có xương nhỏ thì ra ngoài kiếm ít xương lợn về nghiền thành bột, khi nấu ở đâu thì mang theo, lúc cô cao hoặc khi người nhà sơ hở là mình trút vào nên lượng cao sẽ rất nhiều, khi đó cứ tính khối lượng mà lấy tiền”. “Để phân biệt cao xịn thì bình thường cao rất trong, không có cặn, còn cao cho bột xương sẽ có cặn. Ngày xưa nấu đủ các loại cao rồi. Không tin các chú lên mạng xã hội họ quảng cáo đầy, họ còn soi đèn cho mình xem nữa” – ông Y. chỉ mẹo phân biệt cao thật – giả.
Quả đúng vậy, chỉ dạo qua vài trang mạng là thấy hàng loạt các loại cao được rao bán. Trước đó, chúng tôi cũng đã kịp kết bạn với một facebook và zalo tên T.L., người này cập nhật thông tin liên tục trên trang cá nhân với những hình ảnh về hàng chục con hổ bị giết, lột da, róc thịt, phơi xương khô treo lủng lẳng như những chú lợn bị giết thịt trong lò mổ.
Và không dừng lại ở những hình ảnh ghê rợn, chủ tài khoản còn ngang nhiên quay video về những cảnh máu me, chặt chém hổ cùng nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm khác như gấu, tê tê…
Và cuối cùng, câu chuyện với ông Y. tiếp tục dẫn chúng tôi tới “thủ phủ” tửu táng, từ các loại mèo rừng, tê tê… đến hổ, gấu, tất cả đều hiện diện trong bình rượu!
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm