Lâm tặc đưa cưa máy vào Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn đốn hạ hàng chục cây gỗ quý trong một thời gian dài nhưng các đơn vị liên quan không ai nhận trách nhiệm chính
Ngày 5-2, ông Bùi Hồng Quý, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin vụ phá rừng, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Buôn Đôn và VQG Yók Đôn xác minh, báo cáo. Các đơn vị đang xác minh, thu thập thông tin.
Gỗ quý bị triệt hạ
Từ Đồn Biên phòng 741 (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk), sau hơn 1 giờ đi bộ đường rừng, chúng tôi tiếp cận khu vực rừng bị phá thuộc Tiểu khu 408 của VQG Yók Đôn. Trên đường đi, có nhiều cây gỗ nhỏ bị lâm tặc chặt hạ để mở lối vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Đi sâu vào, qua khu vực một khe suối đã cạn khô nước, chúng tôi chứng khiến 2 cây gõ đỏ có đường kính gốc khoảng 60-80 cm vừa bị đốn hạ, được xẻ thành nhiều khúc, lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra ngoài.
Tiến sâu hơn, chúng tôi tiếp tục ghi nhận hàng chục cây gỗ quý hiếm bị cưa hạ nằm ngổn ngang trên diện tích khoảng 1 ha. Tại hiện trường, nhiều khúc gỗ đã được lâm tặc cưa xẻ vuông vức chờ vận chuyển và nhiều thân cây đã bị lấy đi phần gỗ.
Theo báo cáo của VQG Yók Đôn, ngày 26-1, Trạm Kiểm lâm số 8 (Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn) tổ chức tuần tra tuyến biên giới và phát hiện rừng bị phá tại Tiểu khu 408. Qua kiểm tra ghi nhận có 23 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 19 cây gõ đỏ, 2 cây cẩm lai và 1 cây sao. Tổng khối lượng gỗ còn lại hiện trường là gần 45 m3, một số cây đã bị các đối tượng dùng cưa máy cắt thành hộp và lấy đi một phần. Theo nhận định của lực lượng kiểm lâm, số gỗ này bị cắt hạ bằng cưa máy vào giữa tháng 1.
Cũng theo báo cáo này, Tiểu khu 408 nằm giáp ranh với biên giới Campuchia thuộc Đồn Biên phòng 741 – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý. Đây là khu vực vành đai biên giới, cấm xâm nhập.
Đổ trách nhiệm
Theo ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, để rừng bị mất vẫn có trách nhiệm của chủ rừng là VQG Yók Đôn. Tuy nhiên, khu vực rừng bị phá là khu vực tuần tra biên giới. Nơi đây, người dân muốn vào phải được lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho phép. Thậm chí, nếu kiểm lâm muốn vào khu vực này để tuần tra rừng cũng phải xin phép. Do đó, không thể nói trách nhiệm chính trong vụ phá rừng này thuộc VQG Yók Đôn. “Chúng tôi đang chờ giám định thiệt hại của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk rồi thống nhất khởi tố vụ án để điều tra làm rõ” – ông Linh nói thêm.
Trong khi đó, trung tá Mai Thế Bùi, Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo quy định, “khu vực vành đai biên giới” là khu vực cách đường biên giới tối đa khoảng 1 km, còn khu “khu vực biên giới” thì bao gồm cả một xã biên giới. Vị trí phá rừng cách đồn biên phòng khoảng 5-6 km, thuộc “khu vực biên giới”, người dân có thể đi lại bình thường. Tại khu vực rừng bị phá, lực lượng kiểm lâm vẫn thường xuyên tuần tra rừng chứ không phải vùng cấm.
Trung tá Bùi cho rằng trách nhiệm chính của Bộ đội Biên phòng là bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, đồng thời có phần trách nhiệm bảo vệ tài nguyên trong khu vực mình quản lý nên để xảy ra tình trạng phá rừng, bộ đội biên phòng cũng có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ rừng. “Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đang có mặt tại khu vực phá rừng để phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc. Sau khi có kết quả, nếu lực lượng biên phòng có sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định” – trung tá Bùi khẳng định.
Điều tra lại vụ phá rừng lớn ở Phú Yên
Ngày 5-2, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên để điều tra lại vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Huỳnh Anh Khương (nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Xuân) 8 năm tù; Phạm Xuân Trình, La O Kính (cùng ngụ huyện Đồng Xuân) mỗi bị cáo 7 năm 6 tháng tù; La Lan Thập 7 năm tù về tội hủy hoại rừng. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị bản án vì cho rằng vụ phá rừng xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cán bộ ở huyện Đồng Xuân. Đó là các ông Cao Thanh Lương (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Hồng Đức (Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất) và 5 lãnh đạo, cán bộ xã Phú Mỡ. Liên quan đến vụ án còn có ông Đỗ Minh Tân, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân. Mới đây, ông Tân bị kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo. |