Các nhà khoa học phát hiện hàng nghìn công trình kiến trúc cổ đại của nền văn minh Maya tại Guatemala.
Bằng cách sử dụng công nghệ quét laser từ trên không LiDAR, các nhà khảo cổ học tham gia dự án nghiên cứu của Quỹ Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Maya (PACUNAM) đã phát hiện khu đô thị cổ của người Maya trong những cánh rừng rậm nhiệt đới ở phía bắc Guatemala, theo IFL Science.
Nhóm nghiên cứu tiến hành một cuộc khảo sát trên diện tích rộng 2.100 km2 trong khu rừng Peten. Công nghệ LiDAR giúp họ nhìn xuyên qua những tán lá cây để tìm kiếm những tàn tích còn sót lại bên dưới mặt đất. Các dữ liệu thu được khá nhiều, phải mất hàng thập kỷ để có thể nghiên cứu đầy đủ về nó.
Trong đợt khảo sát, các nhà khoa học tìm thấy tàn tích của ít nhất 60.000 ngôi nhà, cung điện, bức tường phòng thủ, các con đường và một kim tự tháp cao 30m. Kim tự tháp này trước đó được xác định là một ngọn đồi tự nhiên.
Theo các ước tính trước đây, khu vực mà nhóm nghiên cứu khảo sát chỉ có khoảng 5 triệu người Maya sinh sống. Con số này dường như quá thấp. Kết quả nghiên cứu mới chỉ ra rằng, các thành phố của người Maya phải có gần 15 triệu người sinh sống.
“Công nghệ LiDAR đang cách mạng hóa lĩnh vực khảo cổ học theo cách Kính viễn vọng Không gian Hubble đã làm đối với lĩnh vực thiên văn học” – Francisco Estrada-Belli, một nhà khảo cổ tại Đại học Tulane, Mỹ, cho biết.
Nền văn minh của người Maya sụp đổ vào khoảng năm 900 sau Công nguyên. Nhưng ở thời thịnh vượng nhất, khoảng 1.200 năm trước đây, người Maya đã phát triển mạnh mẽ khắp các khu vực Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và Mexico.