Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Định hướng nêu rõ: Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Tuy vậy, đánh giá một cách tổng quát, xét cả về mặt chủ quan và khách quan, thực tế hiện nay cho thấy trong việc khai thác lợi thế từ biển nói chúng và đánh bắt, nuôi trồng thủy-hải sản nói riêng còn yếu kém và phải đối mặt với nhiều áp lực.
Năng suất khai thác có xu hướng giảm
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Đối với một nước có bờ biển dài như nước ta, khai thác thủy – hải sản biển được coi là một ngành có nhiều lợi thế và cần phải được phát triển mạnh trong thời gian sắp tới. Tính đến thời điểm này đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về tiềm năng cũng như đánh giá về thực trạng khai thác nguồn lợi biển của Việt Nam. Tất cả đều có chung một nhận định về sự phong phú và đa dạng của các nguồn lợi từ biển.
Với số liệu kinh tế thu thập được từ Tổng cục Thống kê, sản lượng cá biển khai thác được trong thời gian qua có sự gia tăng nhờ quy mô khai thác. Tuy vậy, năng suất khai thác lại có xu hướng giảm dần ở tất cả các vùng. Phân tích số liệu của 29 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian 2012 – 2014 cho thấy, cứ 1 tàu có công suất trên 90 CV tăng thêm thì sản lượng cá khai thác trong năm của tỉnh tăng thêm 20 tấn. Ngoài ra, sản lượng cá tỷ lệ thuận với mức độ biến động của nhiệt độ, mức độ biến động của áp lực mực nước biển và bức xạ mặt trời, trong khi tỷ lệ nghịch với lượng mưa trung bình.
Nếu như năm 2004, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản là 2.35 tỉ đô la, chiếm khoảng một phần mười tổng giá trị xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nhưng đến năm 2016, con số này lên tới 7 tỷ đô la, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,7 triệu tấn, so với năm 2015, tổng sản lượng tăng 2,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 6,5%. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước.
Theo Viện Nghiên cứu hải sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vùng biển nước ta có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích như mực, hải sâm,…
Về trữ lượng từng vùng, vịnh Bắc Bộ có trữ lượng 681.200 tấn, khả năng cho phép khai thác 272.500 tấn/năm; vùng biển miền Trung có trữ lượng 606.400 tấn, khả năng cho phép khai thác 242.600 tấn/năm; vùng biển Ðông Nam Bộ có trữ lượng 2.075.900 tấn, khả năng cho phép khai thác 830.400 tấn/năm; vùng biển Tây Nam bộ có trữ lượng 506.700 tấn, khả năng cho phép khai thác 202.300 tấn/năm.
Dọc ven biển có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha. Ngoài ra, còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Với tiềm năng trên, trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi, trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.
Trước tiềm năng to lớn đó, năng lực đánh bắt của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến nhất định. Ước cả năm 2016 sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 3.076 ngàn tấn, tăng 3% so với năm 2015, trong đó ước khai thác biển đạt 2.876 ngàn tấn, tăng 2,21 % so với năm 2015; khai thác nội địa ước đạt 200 ngàn tấn, giảm 1% so với năm 2015.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2012 số lượng tàu thuyền cả nước là 123.125 chiếc, tổng công suất đạt khoảng 10 triệu CV. Trong đó tàu lắp máy có công suất dưới 20 CV chiếm 49%; tàu cá lắp máy có công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV chiếm 22,9%; tàu cá lắp máy có công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV tương ứng 7,4 %; tàu cá lắp máy có công suất từ 90 CV trở lên là 25.488 chiếc, chiếm 20,7 %. Đến năm 2015, tỷ trọng tàu thuyền trên 90CV đã chiếm tới khoảng %27.
Tuy số lượng tàu tương đối lớn, nhưng hệ thống tàu thuyền của ngư dân được đánh giá còn rất yếu kém. Có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản bằng hộp xốp thổi), số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn, nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo.
Bên cạnh đó, diện tích bãi biển, vùng triều giảm mạnh do xói lở từ lũ lụt, tố lốc và khai thác cát trái phép ngày càng nghiêm trọng cản trở hoạt động đánh bắt. Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hoá, xây dựng các công trình ven biển và các đầm nuôi trồng thuỷ hải sản cũng đã góp phần làm ô nhiễm, huỷ hoại môi trường sống của các loài hải sản như rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, rạn san hô nơi thường là bãi đẻ và bãi sinh trưởng của cá biển.
Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Mặc dù sự gia tăng về sản lượng cá biển có sự liên quan tới sự gia tăng về số lượng tàu và công suất khai thác, nhưng vấn đề đang nhìn thấy qua các con số là năng suất khai thác đang có xu hướng giảm xuống, thể hiện rõ ràng nhất là năng suất tính theo số tấn cá khai thác được trung bình trên một CV. Mức biến động lần lượt giảm 1/3 năng suất đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, giảm hơn 1/5 năng suất đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.
Đối mặt với nhiều thách thức
Đề cập về những giải pháp nâng cao khai thác lợi thế từ biển, nhóm các nhà nghiên cứu Hoàng Khắc Lịch, Dương Cẩm Tú-Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đánh bắt hải sản là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện 3 mục tiêu chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam. Đó là khai thác tiềm năng nguồn lợi hải sản tạo sản phẩm cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân các tỉnh ven biển và đảm bảo sự hiện diện, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Tuy vậy, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hằng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc và 1/260 kinh tế biển của thế giới. Nên cần thiết phải có một nghiên cứu cung cấp các phân tích và đánh giá một cách trực quan sự biến động về mặt số liệu, để chỉ ra những mối liên hệ với sản lượng cá biển khai thác được ở các vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu và thay đổi thời tiết sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, biến động chủng loại quần đàn và di cư cá biển, do đó có khả năng sẽ làm thay đổi các bãi cá và ngư trường truyền thống. Cụ thể, nhiệt độ nhiều vùng nước có xu hướng ngày càng tăng cao có thể khiến cá trong vùng này có một kích thước cơ thể nhỏ hơn, nhỏ hơn ở sự trưởng thành ban đầu và có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Nguyên nhân đáng kể là do thiếu oxy và nhiệt độ ấm dễ phát sinh mầm mống bệnh gây hại. Một số loài di chuyển tìm vùng nước mới phù hợp để sinh sống và phát triển sẽ làm ngư trường thay đổi, nguồn lợi thủy sản bị phân tán khiến cho năng suất khai thác giảm xuống. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, tố lốc sẽ làm giảm năng suất lao động của ngư dân, gây thiệt hại tàu bè và do đó, tác động không nhỏ đến sản lượng.
Thống kê gần đây cho thấy dấu hiệu dư thừa cục bộ phương tiện đánh bắt hải sản đã xuất hiện, công suất huy động tàu tham gia đánh bắt giảm dần, có tàu chỉ huy động khoảng 50% thời gian hoạt dộng (khai thác cá nổi, tôm biển…). Do nông nghiệp mang lại thu nhập thấp, nhiều nông dân đã tham gia khai thác hải sản và xem đây là phương kế sinh nhai cuối cùng dẫn đến số lượng người tham gia khai thác ở khu vực ven bờ tăng lên, điều này dẫn tới sản lượng khai thác trên một đơn vị cường lực giảm, nguồn lợi ngày càng cạn kiệt.
Để đảm bảo chi phí, các tàu đánh cá buộc phải tăng cường độ khai thác, như tăng số mẻ lưới trong một ngày đêm, tăng số ngày hoạt động, giảm kích thước mắt lưới để tận thu sản lượng, khai thác cả ở những vùng cấm đánh bắt… dẫn đến vấn đề cạnh tranh trong khai thác ngày càng ráo riết và càng tăng nguy cơ huỷ diệt nguồn lợi. Cạnh tranh với các tàu cá nước ngoài đang ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của các tàu cá trong nước.
Thực tế, các tàu đánh cá cỡ lớn của nước ngoài thường xuyên xâm phạm và đánh bắt bất hợp pháp nguồn lợi hải sản của nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ đội Biên phòng, hàng năm có 300 – 500 lượt tàu đánh cá nước ngoài hoạt động trái phép ở vùng biển nước ta. Các tàu này ban ngày thường hoạt động xa bờ, ban đêm vào hoạt động ở vùng gần bờ. Riêng khu vực vịnh Bắc Bộ, ước tính lượng hải sản do các tàu nước ngoài đánh bắt khoảng 100.000 tấn/năm.
Môi trường hoạt động khai thác hải sản vốn đã rất khắc nghiệt, song đội tàu cá lại chưa được đầu tư tương thích, ngư dân còn sử dụng nhiều ngư cụ truyền thống do vậy rất khó khăn trong việc kiểm soát cường lực khai thác trên các vùng biển. Trong khoảng 95.000 phương tiện nghề cá được khảo sát, loại dưới 50 CV và thuyền thủ công có khoảng 64.500 chiếc, chiếm 68%, số tàu cá lắp máy từ 90 CV trở lên có khoảng 13.600 chiếc, chiếm khoảng 14,3%.
Cơ cấu đội tàu cá Việt Nam hiện nay, xét về sự tương thích với ngư trường, với nguồn lợi hải sản cho thấy không có sự bất cập lớn, song chất lượng kém của vỏ, máy, các thiết bị an toàn hàng hải đã hạn chế thời gian hoạt động hữu ích trong năm. Với thời gian khai thác thực tế tăng, thời gian tìm kiếm ngư trường tăng, kéo theo chi phí tăng, đồng thời rút ngắn tuổi thọ của các tàu, đặc biệt các tàu cũ, cải hoán, nâng cấp hoặc chất lượng đóng không đảm bảo.
Từ năm 1997, thực hiện Chương trình đánh bắt cá xa bờ, Nhà nước đã đầu tư 1.300 tỷ đồng đóng 1.292 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cho đến nay Chương trình này bị đánh giá là kém hiệu quả. Vấn đề suy giảm đa dạng sinh học khiến cho những loài cá có giá trị kinh tế cao ngày càng trở nên ít ỏi, nguyên nhân một phần do bộ phận nhỏ ngư dân sử dụng những hình thức khai thác huỷ diệt như chất nổ, chất độc, xung điện, lưới mắt nhỏ hoặc các nghề có hại như te đẩy, lưới đăng, đáy càng làm cho nguồn lợi trở nên cạn kiệt và khó phục hồi hơn. Ngoài ra các hoạt động đô thị hóa, xây dựng các công trình ven biển, xói lở từ lũ lụt, tố lốc cũng khiến cho ô nhiễm vùng biển ngày càng nặng nề, đã và đang là thách thức rất lớn đến phát triển nghề cá trên vùng biển Việt Nam hiện nay và trong tương lai.