Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, trở thành một công cụ pháp lý quan trọng góp phần răn đe, trấn áp tội phạm. Trong đó tội phạm vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã sẽ phải chịu những hình thức xử lý nghiêm khắc của pháp luật.
Với thực trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã đang có diễn biến phức tạp thời gian qua, hy vọng đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để góp phần bảo vệ tốt hơn các loài động vật hoang dã.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, các lực lượng thực thi pháp luật đã triển khai hơn 30 đợt truy quét tội phạm trong lĩnh vực động vật, thực vật hoang dã; phát hiện và bắt giữ hơn 5,5 tấn ngà voi, khoảng 200 kg sừng tê giác, khoảng 5 tấn vẩy tê tê… Tuy nhiên với mức lợi nhuận bất chính cao, nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm. Tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam không chỉ tham gia vận chuyển, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn là mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia.
Ngay tháng 1-2018, nhiều vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, trong đó có những vụ vận chuyển với số lượng lớn. Gần đây nhất, ngày 20-1, Bộ đội Biên phòng Đất Mũi kiểm tra tàu do Nguyễn Văn Hậu (36 tuổi, trú xã Đất Mũi) chạy ở cửa Kênh Năm – Ô Rô, phát hiện 35 bao ni-lông chứa 114 con tê tê còn sống, tổng trọng lượng hơn 780 kg (mỗi con từ 3 – 10 kg) và 15 thùng xốp chứa vẩy tê tê, với trọng lượng hơn 300 kg. Qua điều tra, bước đầu đối tượng khai nhận lô hàng trên nhận từ một tàu cá khác trên vùng biển đảo Hòn Khoai, rồi vận chuyển vào đất liền để đưa đi tiêu thụ. Ngày 30-1, Công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã ra quyết định khởi tố vụ án, ngành kiểm lâm Cà Mau cũng tạm đình chỉ đối với một cán bộ liên quan thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hiển.
Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, Cục Hải quan Cao Bằng bắt giữ một đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD. Tang vật vi phạm gồm năm cá thể nghi là khỉ hoặc voọc đã sấy khô, trọng lượng 11 kg. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công an huyện Phú Lộc kiểm tra xe ô-tô khách BKS 51B – 069.23 đang lưu thông, do lái xe Lại Thiên Phát, 41 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh điều khiển vận chuyển trái phép 21 cá thể cầy hương và bốn cá thể don.
Cũng liên quan đến vận chuyển trái phép ĐVHD, qua công tác nắm tình hình, ngày 28-12-2017, Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An đã phá chuyên án vận chuyển năm cá thể ĐVHD nghi là voọc chà vá chân nâu và khỉ do hai đối tượng thực hiện. Khám xét nhà của các đối tượng, công an phát hiện thêm sáu cá thể nghi là chồn. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật đang chờ kết quả giám định để xem xét xử lý các đối tượng vi phạm.
Tại Đồng Nai, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai kiểm tra nhà của ông Vũ Xuân Hải, sinh năm 1960, ngụ khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 10 người đang nấu cao hổ; con hổ có trọng lượng khoảng 230 kg. Ngoài ra, phát hiện hàng chục kg xương khỉ, sừng sơn dương, mai rùa chuẩn bị nấu cao. Công an đã niêm phong toàn bộ tang vật để phục vụ công tác điều tra…
Cùng với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát triển các loài ĐVHD. Nhờ vậy, nhiều ĐVHD quý hiếm đã được giải cứu kịp thời, thả về sống trong môi trường tự nhiên. Điển hình, ngày 15-12-2017, nhờ tin báo của người dân, lực lượng công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ một đối tượng vận chuyển ĐVHD, thu giữ bảy cá thể rái cá và 12 cá thể khỉ còn sống. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong năm 2017, tổng cộng có 33 cá thể gấu bị tịch thu, hoặc tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ trong cả nước. Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết: Sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng cùng với hành động quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng chính là chìa khóa giúp phát hiện và xử lý thành công các vi phạm về ĐVHD.
Theo ENV, đi đôi với tuyên truyền phòng, chống buôn bán ĐVHD, trong ba năm, từ 2014 đến 2016, đã có khoảng 17,9% trên tổng số 156 vụ vi phạm hình sự về ĐVHD được xử lý, áp dụng mức phạt tù giam đối với các đối tượng phạm tội. Các vụ việc còn lại, đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo. Đây là những hình phạt được đánh giá là chưa đủ sức răn đe và không gây ảnh hưởng nhiều so với món lợi khổng lồ từ buôn bán ĐVHD. Tới đây, những thay đổi của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong chế tài áp dụng đối với loại tội phạm này, sẽ tạo thêm điều kiện để các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện quyết tâm triệt phá tội phạm về ĐVHD và áp dụng những mức phạt nghiêm khắc nhất, góp phần răn đe và phòng ngừa hiệu quả tội phạm liên quan ĐVHD.
Tuy nhiên, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ĐVHD thật sự hiệu quả rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội. Trong đó có việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD để bảo vệ hiệu quả các loài động vật quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt.