Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, giao khoán đất lâm nghiệp…
Cho phép cá nhân khai thác đất chưa đúng thẩm quyền.
Công tác quản lý đất đai, việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015, 2016 của UBND huyện Lâm Hà chưa sát với thực tế dẫn đến phải đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất.
Việc thực hiện các chỉ tiêu thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong 2 năm đạt thấp so với kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực hiện quá thời gian quy định của UBND tỉnh trên địa bàn huyện còn ở mức cao.
Tại Dự án Khu đô thị – Trung tâm Thương mại thị trấn Đinh Văn, việc khai thác đất thực hiện khi chưa được UBND tỉnh đồng ý, nhưng UBND huyện vẫn cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác phần đất dôi dư tại Cụm Công nghiệp thị trấn Đinh Văn để san lấp mặt bằng tại Dự án Khu đô thị mới – Trung tâm Thương mại thị trấn Đinh Văn với khối lượng đất đã khai thác khoảng 115.000m3 đất.
Mặt khác, UBND huyện đã ban hành 12 thông báo cho phép các hộ gia đình, cá nhân khai thác đất với khối lượng đã khai thác 53.488m3 là chưa đúng thẩm quyền theo quy định.
Nhiều giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn
Tại một số thời điểm, công tác kiểm tra còn chưa thường xuyên nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn thanh tra phát hiện có 3 điểm khai thác khoáng sản không phép chưa được UBND huyện Lâm Hà phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Mặt khác, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, Công an huyện thời điểm trước tháng 6/2017 không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện sử dụng vi phạm là chưa thực hiện đúng quy định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Đặc biệt, qua kiểm tra, trên địa bàn huyện có 3 giấy phép khai thác khoáng sản của 3 đơn vị đã hết hạn trong năm 2014 nhưng chưa thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định Luật Khoáng sản; 1 giấy phép khai thác đá chẻ đã hết hạn nhưng chưa được chấm dứt hiệu lực và thu hồi. Một doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá xây dựng tại vị trí không có tên trong quy hoạch mỏ đá xây nhưng UBND huyện không kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý.
Hàng trăm ha diện tích đất vi phạm hợp đồng giao khoán
Kết luận cũng chỉ ra, việc thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán đất lâm nghiệp của đơn vị chủ rừng chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). UBND huyện phê duyệt phương án cho phép các đơn vị chủ rừng giao khoán 123,24ha đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng phòng hộ cho 6 hộ gia đình với 6 hợp đồng giao khoán được ký là chưa đúng.
Tại thời điểm thanh tra, diện tích vi phạm hợp đồng giao khoán tại 2 đơn vị chủ rừng là 424,17ha nhưng các đơn vị chủ rừng không có biện pháp kiên quyết để yêu cầu các hộ nhận khoán giải tỏa cây cà phê và cây nông nghiệp để trồng lại rừng đủ mật độ theo phương án được phê duyệt.
Mặt khác, không lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với diện tích đất lấn chiếm, chưa thống kê được số hộ lấn chiếm và chưa tiến hành giải tỏa, thu hồi đất lấn chiếm. Không phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý đối với diện tích 12ha rừng tự nhiên giao khoán quản lý bảo vệ bị phá, tương đương trữ lượng lâm sản thiệt hại 1.008m3; thiếu kiểm tra, đôn đốc các hộ nhận khoán trồng rừng theo tiến độ đã ký hợp đồng.
Các đơn vị chủ rừng thanh lý hợp đồng giao khoán và cho phép chuyển nhượng diện tích đất giao khoán đã trồng rừng trong khi chưa xử lý đứt điểm đối với diện tích đất giao khoán bị lấn chiếm, phá rừng của các hộ nhận khoán trước đó.
Đến thời điểm thanh tra, diện tích đất giao khoán theo Nghị định số 01/CP của Chính phủ trên địa bàn huyện còn 124,1ha/12 hộ/8 hợp đồng và diện tích giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ còn 1.183,93ha/161 hộ/137 hợp đồng nhưng UBND huyện chưa chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, xử lý theo quy định.
14/15 công trình nghiệm thu quyết toán khối lượng sai quy định
Thanh tra tại 15 công trình cho thấy, việc lập, thẩm định giá trị dự toán tại 8 công trình không chặt chẽ, dẫn đến dự toán tính dư khối lượng so với thiết kế được duyệt, để các nhà thầu hưởng lợi không đúng quy định số tiền 240,11 triệu đồng; 9 công trình tiến độ thi công chậm so với hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu từ 4 tháng đến 23 tháng.
Công tác nghiệm thu khối lượng không chặt chẽ dẫn đến nghiệm thu quyết toán khối lượng lớn hơn quy định tại 14/15 công trình với số tiền trên 488,3 triệu đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây lắp, có 2 công trình nhà thầu thi công chưa kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra kịp thời đối với khối lượng đã được chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán với số thuế GTGT phải nộp bổ sung 216,8 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP tiến hành khảo sát nhu cầu khai thác đất, san ủi mặt bằng tại các địa phương trong tỉnh để tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch các mỏ khai thác đất trên địa bàn.
Yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp trong các đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với diện tích 12ha rừng tự nhiên giao khoán quản lý bảo vệ bị phá trước năm 2014, tương đương trữ lượng lâm sản thiệt hại 1.008m3, tại diện tích đất giao khoán cho 10 hộ.
Kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Tân Thanh, xã Phúc Thọ lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 3 trường hợp khai thác khoáng sản không phép; thu hồi 12 thông báo xác nhận đăng ký việc san ủi, cải tạo mặt bằng đối với 12 trường hợp hộ gia đình không đúng thẩm quyền.
Đối với diện tích đang giao khoán có vi phạm, tổ chức giải tỏa số cây cà phê đã trồng xen vào diện tích trồng cây lâm nghiệp và trồng bổ sung cây rừng đủ mật độ theo phương án được duyệt.