Nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố nằm ven biển với lượng dân số khá lớn, tổng số dân của dải ven biển vào khoảng 43,51 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 34%; mật độ dân số cao hơn khoảng 1,9 lần so với mật độ trung bình cả nước; tốc độ gia tăng dân số trung bình vào khoảng 0,91%. Sự gia tăng này gây sức ép không nhỏ đến môi trường, tài nguyên và sinh thái biển. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các ngành kinh tế biển, đảo với hàng loạt hoạt động như khai thác dầu khí, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển… cũng khiến môi trường biển ngày càng xấu đi.
Những nguồn phát thải chính
Nguồn thải từ hoạt động dân cư ven biển
Trong số các nguồn thải thải ra biển, có thể “điểm danh” đầu tiên là nguồn thải từ hoạt động dân cư ven biển. Hoạt động dân cư ven biển phát sinh nhiều loại chất thải ra môi trường và thải đổ vào biển qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Lượng chất thải này tăng mạnh nhất ở các đô thị ven biển, nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và thu hút dân lao động từ các tỉnh thành của các vùng ven biển.
Bảng 1: Ước tính thải lượng ô nhiễm sinh hoạt của dân cưcác tỉnh ven biển năm 2009
Loại chất thải | Thải lượng trung bình (người/ngày) | Đơn vị | Tổng lượng thải các tỉnh ven biển | Đơn vị |
Chất thải rắn | 0,35-0,70 | kg | 5.200-10.300 | Tấn/ngày |
Nước thải | 80 | l | 11.800.000 | m3/ngày |
Chất rắn lơ lửng | 70-145 | g | 1.030-2.140 | Tấn/ngày |
BOD5 | 45-54 | g | 660-790 | Tấn/ngày |
COD | 85-102 | g | 1.250-1.500 | Tấn/ngày |
Amoni (NH4-) | 3,6-7,2 | g | 50-100 | Tấn/ngày |
Tổng Nito | 6-12 | g | 90-180 | Tấn/ngày |
Tổng Phospho | 0,6-4,5 | g | 9-66 | Tấn/ngày |
Dầu mỡ phi khoáng | 10-30 | g | 150-440 | Tấn/ngày |
Nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải
Khả năng gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải. Nước thải thường phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng. Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa hàm lượng cao dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải. Tại cụm cảng Hải Phòng – Quảng Ninh, những năm gần đây mỗi tháng có khoảng 400 tàu xuất ngoại, lượng nước ballast từ tàu biển cần thanh thải ước tính khoảng 430.000 – 710.000m3. Riêng năm 2008, lượng nước thải lẫn dầu từ 394 tàu biển đến cảng Hải Phòng là 4.578 tấn, trong đó có 2.561 tấn dầu cặn.
Tràn dầu đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Theo kết quả nghiên cứu, khi sự cố ô nhiễm dầu xảy ra, các hệ sinh thái đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu đã làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái từ tác động của các tai biến. Khi chảy loang trên mặt nước, dầu tạo thành váng và bị biến đổi tính chất. Hàm lượng dầu trong nước tăng, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, Dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái. Dầu chứa nhiều thành phần khác nhau, khiến môi trường bị ô nhiễm.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Những vụ tràn dầu thường vào dịp từ tháng 3 đến tháng 6. Điển hình như sự cố tràn dầu tàu Formosa One xảy ra năm 2001 tại vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Do không tuân thủ đúng chỉ dẫn của Cảng vụ Vũng Tàu, tàu Formosa One đã đâm vào tàu Petrolimex- 01, làm tràn đổ khoảng 900m3, tương đương 750 tấn dầu DO. Hay sự cố tràn dầu tàu Hồng Anh xảy ra năm 2003, do sóng lớn làm đắm tàu Hồng Anh trong khu vực vịnh Gành Rái, làm tràn khoảng 100 tấn dầu FO, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ và các khu vực nuôi trồng thủy sản. Tổng thiệt hại về kinh tế và môi trường do sự cố gây ra lên tới hàng chục tỷ đồng…
Nguồn thải từ hoạt động khai thác nuôi trồng hải sản
Tính đến hết 2008 các tỉnh ven biển có hơn 30 nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty TNHH và các doanh nghiệp tư nhân. Số cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Diện tích nuôi trồng thủy sản (nước mặn, lợ) không tăng trong khi thâm canh tăng vụ làm gia tăng làm ô nhiễm nước vùng ven biển do thức ăn và kháng sinh dư thừa từ quá trình nuôi. Nhiều địa phương thực hiện nuôi trồng tại các vùng cửa sông, cửa biển gây suy thoái hoặc giảm diện tích các hệ sinh thái như rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều. Ngoài ra, việc sử dụng các hoá chất độc hại vào việc đánh bắt hải sản cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm.
Nguồn thải từ hoạt động phát triển du lịch ven biển
Chất thải và nước thải sinh hoạt từ các dịch vụ du lịch, cụ thể là từ hoạt động của du khách là nguyên nhân trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở các khu vực gần các khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ du lịch. Ở Việt Nam, nước thải khu vực ven biển, trong đó du lịch là nguồn đóng góp chính, chiếm ¼ tổng lượng nước thải toàn quốc. Ngoài ra, việc khai thác nước phục vụ nhu cầu du lịch vượt quá khả năng đáp ứng nguồn nước cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Các chất ô nhiễm từ khí thải, chủ yếu do dùng điều hoà nhiệt độ, có nguồn gốc từ hoạt động du lịch cũngngày càng gia tăng.
Nguồn thải từ hoạt động khai thác khoáng sản
Ngành khai khoáng gây nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Nước thải ở các mỏ than có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn thủy sinh, suy giảm chất lượng nước. Lượng nước thải từ các khu vực khai thác than khoảng 25-30 triệu m3/năm với độ axít cao (độ pH của nước thải mỏ dao động từ 3,1-6,5). Lượng chất thải rắn trong quá trình khai thác than khoảng 150 triệu m3/năm. Những bãi thải tại Quảng Ninh, nhất là khu vực gần vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới môi trường biển tại các vùng này nghiêm trọng. Đối với khai thác dầu khí, nguy cơ tràn dầu trong quá trình khai thác, sang tải, vận chuyển dầu và ô nhiễm các chất độc hại tương đối cao. Ô nhiễm do dầu gây ra là một loại ô nhiễm đang rất được quan tâm do những hậu quả môi trường lâu dài và việc xử lý hiệu quả rất phức tạp, tốn kém.
Nguồn thải từ các chất ô nhiễm do sông thải ra biển
Một trong những nguyên nhân quan trọng của ô nhiễm biển, đó là do ô nhiễm các dòng sông từ đất liền. Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền mang ra như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, rác, các loại phế thải, nước thải chưa được xử lý… một số vùng biển có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao. Điển hình như tại khu vực đầm Thủy Triều và vịnh Cam Ranh được ước tính tại bảng sau:
Chất lượng vật chất trung bình đổ vào đầm Thủy Triều trong mùa mưa
Yếu tố | Nước | TTS | COD | N tổng | P tổng | Zn | Cu | Pb | Fe |
triệu m3 | kg | kg | kg | kg | kg | kg | kg | kg | |
Lượng vật chất | 50,2 | 1.425.680 | 592.360 | 35.140 | 1.782 | 477 | 75 | 80 | 11.797 |
Lượng vật chất do hệ thống sông suối đổ vào phần nam vịnh Cam Ranh
Yếu tố | TTS | COD | N tổng | P tổng | Zn | Cu | Pb | Fe |
Lưu vực | kg | kg | kg | kg | kg | kg | kg | kg |
Suối Hành – Trà Dục | 3.474.541 | 1.072.781 | 61.108 | 3.902 | 960 | 226 | 208 | 54.295 |
Sông Cạn | 1.265.005 | 390.576 | 22.248 | 1421 | 349 | 82 | 76 | 19.768 |
Bán đảo Sộp | 1.382.831 | 426.956 | 24.320 | 1.553 | 382 | 90 | 83 | 21.609 |
Một số giải pháp để bảo vệ môi trường biển
Trước tiên, cần thực hiện nghiêm các luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và các văn bản dưới luật, đồng thời chỉnh sửa lại hệ thống luật trên biển, phân cấp quản lý biển; rà soát lại thủ tục cấp phép và đề xuất việc bãi bỏ một số thủ tục cấp phép không phù hợp với yêu cầu quản lý tổng hợp cũng như đưa ra quy trình cấp phép mới;áp dụng các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm kiểm soát, thống kê và đánh giá tình hình sử dụng biển, đảo hàng năm/định kỳ trên quy mô khác nhau.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, đầu tư hàng năm cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước đúng mục tiêu, có hiệu quả trên cơ sở sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn cho hoạt động bảo vệ môi trườngbiển và hải đảo, bao gồm các nguồn vốn: ngân sách nhà nước, xã hội, ODA và các nguồn khác như kinh phí từ cấp phép và phí sử dụng tài nguyên; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển; thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Song song với đó, Việt Nam cần tham gia vào các sáng kiến môi trường và hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực trên nguyên tắc đảm bảo chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi, đặc biệt tranh thủ sự hợp tác của các nước trong khu vực biển Đông;thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương nhằmtăng cường năng lực quản lý môi trường biển và hải đảo; tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế.
Tài liệu tham khảo
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường biển năm 2010.
Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam