Kinh tế biển phát triển chưa xứng với tiềm năng

Ở Việt Nam, kinh tế biển chủ yếu là công nghiệp khai thác dầu khí, vận tải biển, nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch – nghỉ dưỡng và quốc phòng. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam ước tính khoảng 52- 53 tỷ USD, chiếm 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 22-24 tỷ USD, chiếm 20-22% tổng GDP cả nước. Mặc dù có đóng góp quan trọng về mặt kinh tế, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam còn khá nhỏ bé và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển của các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, hoạt động phát triển kinh tế biển cũng có những tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường sinh thái, xã hội, nhất là từ các ngành đóng tàu, khai khoáng và vật liệu xây dựng. Theo kết quả điều tra, phỏng vấn và sử dụng mô hình Gutman (1999), đây là những ngành có đóng góp kinh tế và hiệu quả xã hội ở mức thấp nhưng lại tác động rất xấu đến môi trường.

Ngành kinh tế biển

 

Vai trò

Kinh tế

(A)

Hiệu quả xã hội

(B )

Tác động xấu đến môi trường (C) Tổng số

điểm

G=A+B-C

Xếp thứ tự

mức độ ưu tiên chọn lựa

Cảng biển 89 85 20 154 2
Giao thông vận tải biển (11% GDP biển) 82 67 36 113 5
Đóng tàu 15 12 40 – 13 11
Dầu khí (64% GDP biển) 90 95 30 155 1
Du lịch, nghỉ dưỡng

(9% GDP biển )

65 70 17 118 4
Khai thác cá biển và hải sản (14% GDP biển)  

85

75 10 150 3
Nuôi trồng hải sản 70 75 40 1 0 5 6
Chế biến hải sản 70 45 45 70 7
Xử lý chất thải 17 8 5 20 9
Lấn biển 15 20 8 27 8
Khai khoáng và vật liệu xây dựng 1 0 15 35 -10 10
Những ngành nghề khác ? ? ? ? ?

Ma trận thông tin về vai trò kinh tế, tính hiệu quả xã hội và sự tác động xấu đến môi trường của một số ngành kinh tế biển theo phiếu thăm dò chuyên gia (thang điểm 100, xử lý theo mô hình Gutman, 1999)

Không phủ nhận những nỗ lực, kết quả đã đạt được, song nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ những thách thức mà ngành kinh tế biển Việt Nam đang phải đối mặt như : trình độ khoa học công nghệ thấp; vấn đề quy hoạch, tổ chức không gian phát triển chưa đủ “tầm” và còn thiếu “tâm” ; vấn đề hiệu quả đầu tư chưa cao, hạ tầng cơ sở yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng thấp, các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài hạn chế; khai thác các tài nguyên, nguồn lợi chưa hợp lý ; tình trạng biến đổi khí hậu, các tai biến thiên nhiên và vấn nạn ô nhiễm môi trường, luôn luôn rình rập. Đặc biệt, vấn nạn ô nhiễm biển và ven biển là một trong những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế, xã hội, môi trường trong nước. Tác động gây hại của các chất ô nhiễm biển thường diễn ra trong phạm vi rất rộng và tồn tại trong khoảng thời gian rất dài, thậm chí có thể lên tới 100 năm[1].

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, bài học kinh nghiệm tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á cho thấy nhiều nước phải tiêu tốn từ 3-7 % GDP. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên đáng ngại hơn khi chúng ta không chỉ đối mặt với vấn đề môi trường mà cả những vấn đề về thể chế trong tổ chức, triển khai phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Ảnh minh họa: PanNature

Muốn phát triển kinh tế biển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng cần phải thoát ra khỏi tư duy tiểu nông, cục bộ địa phương, thay vào đó, phải có đột phá về tư duy trên cơ sở phát huy các nguồn lực và phải đầu tư có trọng điểm. Đây cũng chính là ý kiến của nhiều chuyên gia khi trao đổi về định hướng phát triển kinh tế biển. Theo TS. Trần Đình Thiên, chúng ta đang vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi “tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống – tư duy phát triển tiểu nông”[2] vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Để phát triển kinh tế biển, chúng ta cần suy nghĩ, định hình chiến lược theo tư duy hệ thống nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương theo các định hướng mà quốc tế đã khuyến cáo.

Thêm vào đó, cần quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng làm cho nền kinh tế biển có năng lực, vị thể cạnh tranh, tạo ra tốc độ tăng trưởng cao. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, phân vùng chức năng; tiến hành tổ chức quy hoạch không gian; tăng cường đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển; tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động của các dự án phát triển kinh tế lớn nhằm giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường tài nguyên; tăng cường công tác quản trị, chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ sạch, ít tốn năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, khai thác và phát huy các nguồn tài nguyên trí tuệ theo cơ chế thị trường; xúc tiến, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế đối ngoại.

[1] Michael J. Kennish, 2000. Estuary Restoration and Management. National Estuary program, 359 p. Marine Science Series.

[2] . Trần Đình Thiên, 2010. Về chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Tuan VietNam. Net. 2010

Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Biển Việt Nam