Nguồn nước sạch, ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có dấu hiệu suy kiệt và sẽ nguy kịch hơn khi nguồn nước ngầm bị huỷ hoại do ô nhiễm. Cứu nguồn nước chính là cứu cuộc sống con người ở nơi đây.
Công viên “vật liệu lựa tái chế”
Một sáng kiến mới được ứng dụng tại cảng Rotterdam, Hà Lan được chia sẻ cho thành phố Cần Thơ khi công ty Upp! UpCycling Plastic Hà Lan, thông qua thành viên là công ty TNHH MTV UpCycling Việt Nam, sẵn sàng thực hiện mô hình mẫu hệ thống thu gom rác thải nhựa – Công viên sử dụng vật liệu lựa tái chế tại TP Cần Thơ, ngày 22.1.
“Cần Thơ nên xem đây là giải pháp mới góp phần thu gom rác trôi nổi trên sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho chính thành phố”, bà Sabine Voermans, trường đại học Wageningen, Hà Lan, nhấn mạnh khi trình bày kết quả nghiên cứu dự án Công viên sử dụng vật liệu lựa tái chế tại TP Cần Thơ. “Hệ thống nổi trên bề mặt nước, thu gom rác dựa theo dòng chảy. Bệ nổi là rác thải nhựa được hình thành thông qua kết nối các khối lục giác, thảm thực vật sẽ được tạo ra ở cả mặt trên và mặt dưới, góp phần xây dựng hệ sinh thái sông. Các bệ lớn hơn có thể trồng được cây xanh”, bà Sabine Voermans mô tả.
Giữa năm 2018, hệ thống này sẽ được lắp đặt tại rạch Cái Khế, kế tiếp là hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi, kênh Rạch Ngỗng và sông Cần Thơ, tổng kinh phí 150.000 euro do quỹ Rockefeller tài trợ.
Dự kiến đến giữa năm 2019 , dự án hoàn thành sẽ là hình mẫu cho những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam
Sản xuất nước tưới nông nghiệp
Nguồn nước sạch, ngọt ở ĐBSCL đang có dấu hiệu suy kiệt và sẽ nguy kịch hơn khi nguồn nước ngầm bị huỷ hoại. Các kịch bản ít chú ý tới nước ngầm nhiễm phèn, sắt và đất nhiễm mặn. Đợt hạn, mặn nặng nề nhất từ năm 1926 – 2016, cho thấy những sơ hở trong nhận thức.
Bộ môn khoa học đất thuộc khoa Nông nghiệp – sinh học ứng dụng (đại học Cần Thơ) và trại thực nghiệm thuộc trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ, đã nghiên cứu thực nghiệm thành công mô hình sản xuất nước tưới nông nghiệp, để xử lý nước ngầm nhiễm phèn sắt, góp phần cải tạo đất mặn.
Bằng cách đưa nguồn nước nhiễm mặn qua các thiết bị xử lý từ trường làm tươi mới nguồn nước và khử muối đất, đồng thời thay đổi tính chất vật lý của nước. Việc sản xuất nước tưới nông nghiệp theo cách này giúp cây phát triển tốt hơn gấp 1,47 lần so với nghiệm thức sử dụng nước chưa xử lý, và gấp 1,29 lần so với nghiệm thức sử dụng nước máy.
Chất lượng của các loại cây đều tốt, giúp cây trồng hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn, sinh trưởng khoẻ và không có sâu bệnh gây hại. Các khảo nghiệm thực tế: trồng cải xanh trên đất nhiễm mặn và trồng cải mầm trên các giá thể khác nhau (xơ dừa, mùn cưa…) cho thấy, thời gian xử lý nước tương đối ngắn nhưng hiệu quả mang lại khá cao, có thể ứng dụng vào thực tế ở các vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… và một số vùng tại TP Cần Thơ ,như: Ninh Kiều, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ.