Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác đất rừng đặc dụng ở đèo Cả cho nhà đầu tư khai thác khoáng sản là vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản
Nguồn tin Báo Người Lao Động ngày 28-1 cho biết Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.
Kết quả kiểm tra cho thấy khu vực bị khai thác ở đèo Cả thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với diện tích 16 ha thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả quản lý.
Đáng nói là việc khai thác này lại được sự cho phép của tỉnh Phú Yên. Cụ thể, từ đề xuất của nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên chủ trì kiểm tra thực địa. Dù biết đây là vùng quy hoạch đất rừng đặc dụng, có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên vẫn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu để bổ sung vị trí mỏ đất này vào quy hoạch khoáng sản. Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cũng biết đây là vùng quy hoạch đất rừng đặc dụng nhưng vẫn ra Tờ trình số 05/TTr-SXD (ngày 27-1-2011) và Văn bản số 79/SXD-QLCL ngày 21-2-2011, đề nghị bổ sung mỏ đất này vào quy hoạch khoáng sản. Trên cơ sở đó, ngày 24-2-2011, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt bổ sung điểm quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó có mỏ đất nói trên.
Để khai thác khoáng sản trên đất rừng buộc phải chuyển mục đích sử dụng rừng. Vì vậy, ngày 28-6-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên có Văn bản số 601/SNN-LN xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng (bộ này chưa có văn bản trả lời).
Thế nhưng, việc xin ý kiến đã trở nên thừa bởi trước đó hơn 8 tháng, ngày 14-11-2012, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 40/CP-UBND, cho nhà đầu tư khai thác trên diện tích 16 ha nói trên trong thời hạn 5 năm 5 tháng với trữ lượng khai thác 642.000 m3. Khi nhà đầu tư bắt đầu khai thác (năm 2013), các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cũng không kiểm tra, chấn chỉnh nên trữ lượng khai thác (2013-2017) đã tăng gần gấp đôi so với trữ lượng cho phép, tức hơn 1,2 triệu m3.
Báo cáo của TTCP khẳng định việc UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt bổ sung điểm quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng khi đây là đất rừng đặc dụng có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản là không phù hợp. Còn việc UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ đất này khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng là vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương triển khai các phương án tích cực khắc phục hạn chế, yếu kém và sai phạm, hậu quả về môi trường trong thời gian sớm nhất; giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng đối với khu vực mỏ đất diện tích 16 ha đồng thời phục hồi môi trường; yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch (đơn vị khai thác mỏ đất) trồng lại rừng để bảo đảm chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
TTCP kiến nghị phải kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo đúng quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý. |