Mới đây, một thông tin giật mình, cụ rùa Hoàn Kiếm xuất hiện ở hồ Yên Lập, một hồ nước sâu, trên núi cao, trong vùng rừng cánh cung Đông Triều (thuộc 5 phường – xã của 3 địa phương là TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên và huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh).
Hồ Yên Lập (Quảng Ninh) xây dựng năm 1978, trên độ cao 30,2m, cốt đập 37m, diện tích mặt nước rộng 182km2, độ sâu tối đa 30m, trữ lượng trên 130 triệu/m3 nước, lưu vực sinh thủy 14.000ha chủ yếu thuộc địa giới hành chính huyện miền núi Hoành Bồ, 11.000ha rừng phòng hộ cương vực giáp với huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Khi xây hồ, nước dâng hai thôn là Vạn Nho, Nghĩa Lộ và hàng trăm ha rừng chìm trong lòng hồ. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Quảng Ninh. Cơ sở xác định “cụ” rùa Hoàn Kiếm có mặt ở hồ Yên Lập căn cứ vào kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học mới đây của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á, tổ chức Indo-Myanmar Conservation, đã thực tế kỹ lưỡng trong lòng hồ Yên Lập dịp cuối năm 2017.
Cụ thể, khi nhận được thông tin 2 người dân ở thôn Đồng Cóc và thôn Khe Liêu xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh vào năm 2013 bắt được một con rùa mai mền chiều dài trên 1m, nặng khoảng 150 – 200kg, tại khu vực Lọng Cá – vùng nước sâu trong lòng hồ Yên Lập. Trước đó, khoảng năm 2005 – 2007 một người người dân ở thôn Yên Cư, phường Đại Yên, TP Hạ Long nhìn thấy phường săn thú từ TP Hải Phòng đến bắt được 1 con rùa mai mền nặng 36kg, ở khu vực bến tàu chùa Lôi Âm. Và gần đây nhất phường săn động vật quý hiếm từ Hải Phòng lại mò đến lòng hồ Yên Lập, họ tóm trượt một con rùa lớn, ước nặng trên 1 tạ.
Ngay lập tức Tổ chức bảo tồn rùa châu Á lên đường, nhóm khảo sát gồm: Nguyễn Tài Thắng, Hoàng Văn Hà là cán bộ của Tổ chức bảo tồn rùa châu Á, cùng ông Đỗ Văn Bảo người nhiều lần bắt gặp “cụ” rùa nổi trên mặt nước và một cán bộ Kiểm lâm cơ quan bảo vệ rừng hồ Yên Lập, để nghe 29 người địa phương thuật lại chuyện họ từng nghe hoặc thực mục cụ rùa xuất hiện ở đây; đồng thời tổ chức phục gần 1 tháng, với 361,5 giờ dùng ống nhòm chuyên dụng Baigish bội số 20×50, viễn vọng quan trắc mặt nước ở nhiền địa điểm khác nhau trong lòng hồ. Kết quả 6 lần phát hiện “cụ” rùa nhô lên mặt nước và để lại đám bọt khí lớn hình tròn đường kính từ 2 đến 2,5m.
Các anh Trương Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Ký, Lê Văn Quang, Nguyễn Phồn Diện, Nguyễn Thanh Phương, cán bộ Trạm Kiểm lâm bảo vệ rừng lòng hồ Yên Lập và nhiều người dân làm nương rẫy, sinh sống gần mép nước lòng hồ Yên Lập cùng xác nhận nhiều lần nhìn thấy “cụ” rùa khổng lồ ngoi lên mặt nước. Có người còn bảo thấy cụ rùa bò lên bãi cát đảo Hòn Cua phơi nắng.
Tổ chức bảo tồn rùa Châu Á cũng khẩn thiết đưa ra kiến nghị: Quảng Ninh cần sớm có Dự án nghiên cứu, bảo vệ rùa Hoàn Kiếm ở hồ Yên Lập; ngăn chặt triệt để tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hồ Yên lập; nghiêm cấm khai thác thủy sản hủy diệt như xung điện, thuốc nổ… để bảo vệ môi trường sinh thái hồ Yên Lập.
Theo một lãnh đạo chủ chốt của ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Cụ” rùa Hoàn Kiếm thuộc diện rùa mai mền, kích thước lớn, còn gọi là Giải Sin-hoe, tên khoa học Rafetus swnhoei. Đây là loài động vật độc, quý hiếm, thế kỷ này nay trên thế giới chỉ có 4 cá thể, một cá thể ở nước ngoài đã chết chưa rõ vào năm nào, một cá thể ở Hồ Gươm cũng đã chết mà đài đã nói báo đã đăng. Hiện Việt Nam còn sở hữu 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm, một “cụ” được xác định đang sống ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), một “cụ” ở hồ Yên Lập (Quảng Ninh).