Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hòa Bình về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.
Căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/05/2016, xác định bố trí cơ sở xử lý chất thải rắn cấp liên tỉnh tại thị trấn Lương Sơn có quy mô 100ha, công nghệ xử lý tổng hợp.
Nhưng theo UBND tỉnh Hòa Bình, địa điểm trên tại thị trấn Lương Sơn là khu vực mật độ dân cư đông đúc, việc giải phóng mặt bằng để bố trí được khu xử lý chất thải rắn là không khả thi. Vì vậy, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chuyển địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sang khu vực khe núi Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Qua rà soát, phân tích đánh giá hiện trạng, khu vực khe núi Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn có diện tích 100ha tương đối bằng phẳng, nằm xen kẹp giữa 2 dãy núi Lộc Môn và dãy núi lân cận thuộc xã Trung Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là vị trí duy nhất thuộc địa bàn huyện Lương Sơn thỏa mãn các điều kiện quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước, nằm xen kẹp giữa 2 dãy núi có thể ngăn phát tán mùi, đảm bảo khoảng cách an toàn đến các khu dân cư lân cận, phù hợp để bố trí đầu tư xây dựng 1 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng.
Tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 xác định diện tích vùng thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản dự trữ làm xi măng tại mỏ Lộc Môn, xã Trung Sơn, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn là 220ha. Tuy nhiên, tọa độ hiển thị tương ứng xác định trên bản đồ lại có diện tích 373ha, trong đó bao gồm toàn bộ diện tích khe núi Lộc Môn dự kiến bố trí khu xử lý chất thải rắn cấp vùng có diện tích 100ha. Qua kiểm tra cho thấy, hiện trạng tự nhiên của khu vực Lộc Môn nêu trên là thung lũng đất canh tác của bà con có địa hình bằng phẳng, không có trữ lượng đá vôi phục vụ cho nguyên liệu sản xuất xi măng, tiếp giáp với địa giới hành chính của xã Trung Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, là vách núi dựng đứng không đảm bảo an toàn và khả thi về thiết kế kỹ thuật thi công khai thác mỏ.
Như vậy tọa độ ranh giới diện tích 373ha là không thống nhất với số liệu 1065/QĐ-TTg của Thủ tướng. Việc bố trí dự án xử lý chất thải rắn liên tỉnh tại huyện Lương Sơn khoảng 100ha trên đất canh tác của bà con nằm tại khe núi Lộc Môn không làm ảnh hưởng đến trữ lượng khoáng sản làm xi măng, không chồng lấn với diện tích mỏ Lộc Môn theo Quyết định 1065/QĐ-TTg.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 12736/VPCP-CN ngày 29/11/2017 về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 theo đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình tại Văn bản số 1661/UBND-NNTN ngày 14/11/2017, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.