Để bảo vệ rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn cần phải dựa vào dân, nhất là những người dân sống ở vùng lõi, vùng đệm. Tuy nhiên, do tác động bởi cơ chế vùng lõi nên người dân trong các khu vực này còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống và sản xuất.
Trải qua quãng đường 45km từ TP Thanh Hóa, chúng tôi có mặt tại huyện Như Xuân. Đón chúng tôi là anh Lê Hữu Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, nơi có rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bến En. Trên chiếc xe đưa chúng tôi vào thăm thôn Rọc Nái, một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã, anh kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn của người dân nơi đây từ khi mảnh đất của họ trở thành lõi rừng cấm: “Hầu hết người dân đều là những người đã sinh sống ở đây lâu năm. Cuộc sống của họ rất tạm bợ, bà con không có đất canh tác, giao thông đi lại khó khăn”. Dừng xe ở ngôi nhà gỗ đơn sơ, chúng tôi gặp chị Lê Thị Vinh, khi được hỏi về cuộc sống ở vùng lõi, không ngần ngại, chị chia sẻ: Không có đất sản xuất, chồng tôi phải đi làm ăn xa. Còn tôi ở nhà trồng sắn, nuôi vài con gà. Gia đình không có điều kiện nên con cái cũng không được học hành đầy đủ. Những ngày không đủ ăn thì vào rừng hái măng, đói nghèo cứ vây bám quanh năm. Ở vùng lõi, các hộ dân không được xây nhà, cũng không có đất để phát triển sản xuất. Kinh tế gia đình khó khăn, một số gia đình không có điều kiện đầu tư cho con đi học. “Ở nơi bốn bề là rừng này, biết đọc, biết viết là đủ rồi, học cao hơn nữa cũng chẳng có tiền mà lo” – chị Vinh chia sẻ. Tại thôn Sơn Thủy, xã Tân Bình, anh Chu Văn Chung cho biết: “Trước kia, nhà tôi có gần 2 sào đất để trồng keo. Tôi đã khai thác một lần và thấy hiệu quả kinh tế, tuy nhiên giờ đây đất trồng keo nằm trong quy hoạch của vườn quốc gia, chúng tôi muốn khai thác cũng khó”. Người dân vùng lõi được hỗ trợ theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, mỗi thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng, khoản kinh phí này được đầu tư cho các nội dung như nâng cao năng lực phát triển sản xuất, hỗ trợ hạ tầng và đời sống người dân.
Xã Tân Bình có 3 thôn thuộc vùng lõi, thôn Rọc Nái có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,1%, thôn Sơn Thủy chiếm 37,3%, Làng Lung chiếm tới 62,5%. Những người dân ở đây đều có khó khăn chung đó là không có đất, không chủ động được sản xuất nên chưa có điều kiện để phát triển kinh tế. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nguồn lợi khai thác từ rừng và gây áp lực trong công tác quản lý rừng của các lực lượng chức năng. Nhiều hộ dân lấn đất rừng làm đất sản xuất, dẫn đến tình trạng phá rừng. Số ít phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi trâu, bò, gà… và đi làm ăn xa.
Cuộc sống tạm bợ, phần lớn đường vào thôn, xóm, khu sản xuất còn khó khăn, đời sống xã hội cũng theo cái nghèo mà ngày càng lạc hậu. Đất thuộc ban quản lý rừng, bà con được giao khoán quản lý, nhưng thù lao thấp. Vào mùa mưa lũ, nước dâng làm chia cắt đường giao thông, gây cản trở trong sinh hoạt và việc đến trường của các em học sinh. Một người dân chia sẻ: “Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất để trồng và phát triển cây keo. Tránh tình trạng di dân bất hợp pháp và khai thác rừng trái phép”.
Vườn Quốc gia Bến En có hơn 14.700 ha diện tích đất tự nhiên, được quy hoạch trên địa bàn 13 xã, 2 thị trấn thuộc 2 huyện Như Xuân và Như Thanh. Trước những khó khăn của người dân ở vùng lõi, ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En cho biết: “Vườn quốc gia không có thẩm quyền giao đất cho người dân trồng cây lâu năm. Người dân ở đây bị “khống chế” bởi cơ chế vùng lõi rừng đặc dụng nên thiếu đất sản xuất”. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào thiểu số, ban quản lý đã thực hiện giao đất cho người dân quản lý. Đồng thời, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.
Trước những khó khăn trên, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan , các địa phương nghiên cứu, đề xuất các phương án giúp đỡ người dân vùng lõi phát triển kinh tế, sớm ổn định đời sống.