Theo số liệu báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng tại 59 trong số 63 địa phương, cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 27 nghìn lượt công trình. So với năm 2016, các công trình vi phạm giảm đáng kể, khoảng 13,2%, trong đó công trình sai phép giảm 5,1%, không phép giảm 1,85%. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần bảo đảm kỷ cương của luật pháp, cải thiện bộ mặt của đô thị. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn nhiều và ngày càng diễn biến phức tạp. Một số công trình vi phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dư luận…
Có thể thấy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến là do một thời gian dài buông lỏng quản lý. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về hoạt động đầu tư xây dựng mặc dù là xu hướng đúng đắn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, ý thức của người dân trong tuân thủ quy định về xây dựng công trình cũng chưa cao, thường xuyên “lách luật” xây vượt, sai phép. Người dân bức xúc khi chỉ cần sửa chữa nhà cửa với quy mô nhỏ đã thấy ngay các lực lượng chức năng xuống kiểm tra, nhưng nhiều dự án lớn, sai phạm đầy rẫy, chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới phát hiện, xử lý, thậm chí nhiều dự án “dây dưa” đến nay chưa thể giải quyết gọn gàng. Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi là do công tác tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, do vậy mới có chuyện xây dựng sai phép, không phép, “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”, quy hoạch bẻ theo dự án, chủ đích của chủ đầu tư. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm xây dựng mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính cho nên không có tính răn đe, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt nếu phần vi phạm đem lại lợi ích nhiều hơn phần xử phạt.
Trách nhiệm về xử lý vi phạm về xây dựng trước hết thuộc về địa phương. Thực tế cho thấy, lực lượng thanh tra, kiểm tra làm việc chưa thật hiệu quả. Vừa qua, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở có hiệu lực từ ngày 15-1. Điểm mới của Nghị định này là ngoài việc nâng mức xử phạt hành chính, không còn kiểu “phạt cho tồn tại”. Cụ thể, trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu không xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng, chủ đầu tư các công trình vi phạm trật tự xây dựng vừa phải nộp phạt, đồng thời phải khắc phục hậu quả, phá dỡ phần vi phạm. Đây sẽ là phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa những vi phạm xây dựng trong tương lai và cần được các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng, nghiêm túc triển khai. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến xây dựng như: quy hoạch, đất đai, tài chính…, nhất là việc đấu giá các khu đất vàng tại các đô thị, quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin đánh giá về thị trường bất động sản, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội một cách hiệu quả để có cái nhìn tổng thể, dài hạn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, ổn định thị trường.