Qua khảo sát về tình hình ô nhiễm nước ở hồ Trị An, cơ quan chức năng tại đây đã phát hiện một trong những nguyên nhân chính là do những bụi cây mai dương già cỗi chết đi, phân hủy thành những chất độc ảnh hưởng hồ Trị An.
Ngày 21-1, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa (KBTTNVH) Đồng Nai cho biết vừa phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng mô hình kiểm soát và ngăn ngừa sự xâm hại của cây mai dương vùng bán ngập hồ Trị An nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các sở ban ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân sinh sống trên địa bàn có cây mai dương xuất hiện.
Qua hội thảo, các đơn vị đã thống nhất lựa chọn 2 mô hình là trồng cây gáo vàng và điều chỉnh thời vụ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày nhằm hạn chế sự xâm lấn của cây mai dương trên vùng bán ngập.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã thống nhất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng các mô hình trong thời gian tới. Hiện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng dự án hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo kết quả điều tra, trước đây diện tích cây mai dương xâm lấn trên vùng bán ngập hồ Trị An là gần 10.000 ha. Đến nay, con số này đã lên tới hơn 17.000 ha. Theo một số nhà khoa học, cây mai dương mọc ở đâu thì gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thực vật xung quanh nơi chúng mọc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.
Điều đáng quan ngại, qua khảo sát về tình hình ô nhiễm nước ở hồ Trị An, cơ quan chức năng tại đây đã phát hiện một trong những nguyên nhân chính là do những bụi cây mai dương già cỗi chết đi, xác của chúng phân hủy thành những chất độc, hủy hoại môi trường nước hồ Trị An.