Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều dòng sông lớn nhỏ chảy qua, như: Hồng, Đà, Đuống, Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây… Tuy nhiên, một số con sông chảy qua khu vực nội đô hoặc ven đô đang bị ô nhiễm nặng, vì thế TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng nước sông, “giải cứu” các dòng sông nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội…
Nhiều chỉ số vượt chuẩn
Sông Nhuệ bắt nguồn từ cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Điểm khởi đầu nối với sông Hồng này vẫn “đỏ nặng phù sa”, nhưng theo dòng chảy về phía quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì…, nước chuyển màu đen, đặc quánh. Nhiều đoạn hai bên bờ sông, người dân đổ phế thải xây dựng, rác… khiến môi trường và nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lưu vực sông Nhuệ – Đáy đang có nhiều chỉ số vượt chuẩn cho phép. Cụ thể, BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước…) vào mùa mưa tại sông Nhuệ vượt từ 1,09 đến 2,28 lần; sông Đáy, vượt 1,1-2,18 lần. Lượng COD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng) tại sông Nhuệ vượt từ 1,09 đến 1,89 lần; sông Đáy vượt 1,09-1,71 lần. Ngoài ra, hàm lượng coliform (một loại vi khuẩn sống trong đất, nước…) của cả 2 sông đều cao hơn quy chuẩn cho phép…
Sông Cầu Bây chảy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, nước sông nơi đây thường xuyên đen kịt, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp vì không thể bơm vào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản và tưới cho hoa màu…
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm các dòng sông là do nước thải sinh hoạt ở khu dân cư và sản xuất của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý (hoặc xử lý chưa đạt chuẩn) đổ trực tiếp ra sông. Rà soát đến tháng 11-2017, thành phố có 1.509 điểm xả thải, trong đó có 778 điểm có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất và 731 điểm là các cống tiêu dân sinh. Riêng với hệ thống sông Nhuệ – Đáy, do không được sông Hồng tiếp nước thường xuyên; trong khi sông Nhuệ phải tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch rồi bổ sung vào sông Đáy, khiến nguồn nước cả 2 con sông càng ô nhiễm…
Từng bước khắc phục ô nhiễm
Những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường các dòng sông. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường nước.
Thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy trên địa bàn TP Hà Nội, trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, như: Tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm “hồi sinh” sông Tô Lịch và 3 dòng sông phía Tây thành phố là: Tích, Nhuệ và Đáy.
Hà Nội đã, đang từng bước kiểm soát được các nguồn xả thải, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trước khi đổ ra sông đạt quy chuẩn môi trường. Đối với lưu vực sông Nhuệ – Đáy, những năm gần đây, thành phố đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tại Kim Liên, Trúc Bạch, Yên Sở…; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà để xử lý nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt cho 3 xã: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (huyện Hoài Đức); trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)… Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các xã Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức); Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)…
Tại sông Cầu Bây, thành phố đang đầu tư giai đoạn I các nhà máy xử lý nước thải: An Lạc, Ngọc Thụy, Phúc Đồng. Mỗi nhà máy có công suất từ hơn 20.000-40.000m3/ngày-đêm. Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại Phúc Đồng và An Lạc, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đối với nước thải công nghiệp, Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư, Sài Đồng B… đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, so với 2016, năm 2017, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy (vào mùa khô) tại một số vị trí sông đã phần nào được cải thiện. Tuy vậy, công tác khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông còn nhiều việc cần làm bởi không ít chỉ số ô nhiễm trong nước sông vẫn ở mức cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần kiến nghị: Sông Cầu Bây liên quan đến các quận và tỉnh khác nên cần sự hỗ trợ của thành phố trong khắc phục tình trạng ô nhiễm. Huyện cũng đề nghị thành phố sớm triển khai xây dựng 6 trạm xử lý nước thải (theo quy hoạch) trên địa bàn…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định đánh giá, việc giải quyết ô nhiễm các dòng sông là việc làm khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành và cần sự đầu tư lớn. Vì vậy, vấn đề này phải được giải quyết từng bước, đồng bộ và cần sự chung sức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong lưu vực sông. Thực tế, khi người dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm sẽ dần được khắc phục. Đơn cử, việc cải tạo sông Tô Lịch qua địa bàn huyện Thanh Trì thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, hy vọng thời gian tới những con sông chảy qua địa phận Hà Nội sẽ sớm trở lại trong mát, thực hiện tốt chức năng thoát lũ, tưới tiêu cho nông nghiệp; đồng thời góp phần tạo cảnh quan thiên nhiên cho Thủ đô đang trên đà phát triển, hội nhập. Đây cũng là công việc thiết thực để hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng xã, huyện trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.