Một chiến dịch toàn cầu đang được triển khai nhằm biến một vùng biển khổng lồ quanh Nam Cực thành khu bảo tồn lớn nhất thế giới, giúp bảo vệ động vật hoang dã và chống lại biến đổi khí hậu.
Khu bảo tồn lớn nhất thế giới rộng 1,8 triệu km2 – lớn hơn 5 lần diện tích nước Đức – bao gồm một khu vực rộng lớn của biển Weddell và vùng biển xung quanh bán đảo Nam Cực, theo Guardian. Người ta sẽ cấm hoạt động đánh bắt cá để bảo vệ các loài động vật, chẳng hạn như chim cánh cụt, cá voi sát thủ, hải cẩu báo và cá voi xanh.
Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức đưa ra ý tưởng này đầu tiên. Ý tưởng đang được ủng hộ bởi một cuộc vận động của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) khởi động hôm 8/1. Đề xuất của EU đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, bao gồm Anh.
Will McCallum – người tham gia chiến dịch Bảo vệ Nam Cực mới của tổ chức Hòa bình xanh – cho biết, thỏa thuận giữa các quốc gia vào năm 2016 nhằm tạo ra một khu bảo tồn nhỏ hơn xung quanh Biển Ross ở Nam Cực đã chứng minh sự hợp tác toàn cầu giúp bảo vệ đại dương là có thể.
“Bây giờ chúng tôi muốn có một thỏa thuận tốt hơn giữa các quốc gia để giúp xây dựng khu bảo tồn lớn nhất thế giới” – McCallum nói.
Na Uy, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga là những nước lớn trong ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản. Các nhà vận động chiến dịch cho biết, đề xuất thành lập khu bảo tồn lớn nhất thế giới ở Nam Cực có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc thuyết phục các quốc gia này ủng hộ nó.
“Các nhà lãnh đạo trên thế giới không nên cho phép một số ít công ty khai thác những vùng biển hoang dã. Trong những năm 1980, chúng ta đã có một phong trào toàn cầu để bảo vệ đất liền ở Nam Cực. Bây giờ chúng ta cần phải bảo vệ các vùng biển của nó”- McCallum nói.
24 chính phủ của các quốc gia và EU là thành viên của Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật biển Nam cực (CCAMLR). CCAMLR sẽ xem xét đề xuất thành lập khu bảo tồn lớn nhất thế giới tại Nam Cực trong một cuộc họp ở Australia vào tháng 10/2018.