Với vai trò là cơ quan đầu ngành trong dự báo, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp khắc phục, Viện Khoa học Thủy lợi đã giúp Bộ NN- PTNT, các địa phương hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm đảm đảm sinh kế cho người dân vùng thiên tai, biến đổi khí hậu.
Giải quyết các “điểm nóng” thiên tai, biến đổi khí hậu
2017 là năm xảy ra nhiều hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu như mưa, bão lũ, ngập lụt, sạt lở, thời tiết khó lường, tác động xấu đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Để kịp thời nắm bắt diễn biến phức tạp của thiên tai ở những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của đất nước, lãnh đạo Viện thường xuyên có mặt tại các điểm nóng về sạt lở bờ sông (tỉnh An Giang), bờ biển (tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng), hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và Tây Nguyên; lũ bão, ngập lụt tại các lưu vực sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Sê San.
Qua đó, Viện đã nghiên cứu, tư vấn, đóng góp hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ NN- PTNT trong phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Viện cũng chủ động xây dựng các đề án, văn bản, hướng dẫn phục vụ quản lý điều hành; chỉ đạo các ban tham mưu bám sát và trực tiếp làm việc với các đơn vị nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt đã chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị, chủ nhiệm đề tài, dự án đẩy nhanh tiến độ, đề xuất tham gia tuyển chọn thực hiện nhiều đề tài thuộc chương trình KC08, KC09, biến đối khí hậu, chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, chương trình KH-CN phục vụ xây dựng NTM, cụm đề tài tôm lúa, cụm đề tài độc lập đối ứng với dự án nghiên cứu khoa học Viwat hợp tác với CHLB Đức, chương trình KH-CN trọng điểm của Bộ, các đề tài cấp tỉnh…
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Viện đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo chuyển biến mang tính đột phá, đóng góp cho ngành.
Cụ thể như tính toán vận hành liên hồ chứa lưu vực sông miền Trung và Tây Nguyên do ảnh hưởng của cơn bão số 12, báo cáo Chính phủ về sạt lở ở ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu; báo cáo ảnh hưởng của khai thác cát đến diễn biến lòng dẫn trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, các hội nghị APEC về quản lý thiên tai tại các TP Cần Thơ, Đà Nẵng, Vinh… được các cơ quan quản lý đánh giá rất cao.
Ngoài ra, Viện cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của ngành như dự báo nguồn nước cho một số lưu vực sông, giám sát, dự báo chất lượng nước trong các công trình thủy lợi liên tỉnh, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa, bản đồ ngập lụt nước dâng do siêu bão và bão mạnh.
Ứng dụng công nghệ không gian để dự báo lũ
Là cơ quan đầu ngành trong nghiên cứu và ứng dụng KH-CN về thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2017, Viện KHTL đã chủ trì thực hiện 155 nhiệm vụ KH-CN các cấp, trong đó 40 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia; 26 nhiệm vụ KH-CN cấp Bộ (trong đó có 2 đề tài trọng điểm) và nhiều dự án về môi trường, giám sát chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi, dự báo nguồn nước cho 5 vùng ĐBSCL và lưu vực sông Lũy – La Ngà.
Các nghiên cứu của Viện đã định hình tập trung theo cụm nhóm nhiệm vụ, giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan thuộc các lưu vực sông lớn, các vùng trọng điểm như đề tài nghiên cứu sạt lở bờ biển ĐBSCL với cách tiếp cận từ nghiên cứu đánh giá tổng thể quá trình xói lởi và dự báo diễn biến bờ biển ĐBSCL.
Từ đó, đề xuất các giải pháp công trình bảo vệ cụ thể cho từng địa điểm như đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng, đoạn từ Sóc Trăng đến Cà Mau, đoạn từ đoạn từ Cà Mau đến Hà Tiên. Tất cả các nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đều nhằm quản lý bền vững dải bờ biển ĐBSCL và bảo đảm sinh kế cho người dân.
Kết quả nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước của Viện cũng đã ứng phó tốt tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng. Qua đó, đảm bảo phương án tuyến và giải pháp công nghệ xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội và môi trường.
Trước những diễn biến bất thường của thiên tai và biến đối khí hậu, Viện đang tập trung ứng dụng công nghệ không gian (GIS và viễn thám) để dự báo lũ, kiểm chứng độ chính xác trong quá trình xây dựng bản đồ ngập lụt các lưu vực sông và khu vực ven biển dưới tác động của nước dâng do bão.
Đồng thời, xác định bùn cát lơ lửng phục vụ dự báo diễn biến vùng cửa sông, theo dõi đánh giá công tác dự báo ngập lụt phục vụ công tác phòng chống lũ lụt vùng hạ du các sông.
Việc ứng dụng KH-CN qua các công trình nghiên cứu của Viện KHTL không chỉ đảm bảo an toàn phòng lũ, chống hạn cho nhiều vùng trong cả nước mà còn hướng đến mục tiêu lâu dài là đảm bảo sinh kế cho người dân vùng thiên tai, biến đổi khí hậu. |