Ngày 17/1, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra một số điểm nóng về ô nhiễm nguồn nước tại các trạm bơm cấp nguồn phục vụ đổ ải vụ xuân trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.
Ngoài những tín hiệu tích cực, PV NNVN còn ghi nhận ý kiến lo ngại khi đợt xả nước tăng cường của các hồ thủy điện phía Bắc lần 1 (từ ngày 16 – 19/1 chuẩn bị kết thúc), nhưng các địa phương vẫn lo ngại chất lượng nước tưới, chưa dám bơm vào đồng ruộng.
“Kênh tuyết trắng” đã hết mùi tanh
Tại trạm bơm Chợ Lương (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam), ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam cho biết, trạm bơm này phục vụ tưới cho 1.500ha/vụ. Cách đây nửa tháng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối kèm theo những tảng bọt trắng xóa. Nhận được thông tin, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, đồng thời lệnh cho đơn vị ngừng bơm nước vào nội đồng.
Ngày 16/1, tận dụng nguồn nước xả tăng cường từ các hồ thủy điện phía Bắc, Cty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam đã mở cống Tắc Giang để lấy nước ngược từ sông Hồng, đưa nước vào hệ thống để thau rửa toàn bộ. UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường lấy mẫu phân tích, giám sát chất lượng nước hàng ngày tại tất cả các bể hút trạm bơm.
Bà Lê Thị Hoài Liên, Trạm trưởng Trạm bơm Chợ Lương cho biết: Hiện nay chất lượng nước hoàn toàn tốt, đảm bảo để bà con đổ ải, gieo cấy. Trạm đang vận hành 5/6 tổ máy để bơm cấp nguồn cho cụm thủy nông sông Hồng (đang khó khăn về nguồn nước) thông qua hệ thống kênh Xi Phông và các xã lân cận. Khi các vùng trên đã đủ nước, trạm sẽ quay vòi trở ngược để phục vụ cụm.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam, đến sáng 17/1, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6.400ha trong tổng số 31.000ha gieo cấy đủ nước (đạt 20,61%).
Đi dọc các cánh đồng thuộc huyện Duy Tiên, chúng tôi nhận thấy diện tích có nước đạt tỷ lệ khá cao. Bà con tranh thủ ra đồng cày bừa. Bà Lê Thị Hằng, nông dân thôn Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên cho biết: “Mùng 10 tháng chạp (tức ngày 27/1), chúng tôi bắt đầu gieo mạ để chuẩn bị gieo cấy. Đến nay, nước trong hệ thống kênh mương đã sạch. Tôi lội xuống ruộng mấy ngày mà không bị ngứa chân”.
Bắc Hưng Hải vẫn nan giải
Theo ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải: “Hiện chất lượng nước ở sông chính và các nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải đang ở trong tình trạng báo động. Ngày 16/1, tôi đã đi kiểm tra toàn hệ thống và thấy nước sông có mùi nặng nề, một số trạm không thể bơm được”.
Nguyên nhân do thời điểm hiện tại, thủy triều đang dâng, mực nước biển cao. Mặc dù Cty đã mở tối đa cống Xuân Quan (lấy nước từ sông Hồng) và Cầu Cất (lấy nước từ sông Thái Bình) để thau rửa hệ thống nhưng vì nước sông Bắc Hưng Hải không thể tiêu thoát qua cống Cầu Xe – An Thổ nên dềnh lên cao, kéo theo rất nhiều bèo rác, nổi lềnh phềnh.
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Một số doanh nghiệp lợi dụng nước sông dâng để té nước theo mưa. Họ nghĩ rằng hệ thống thủy lợi nhiều nước thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm nên tăng cường xả thải mạnh hơn. Điều đó càng khiến chất lượng nước trở nên khó kiểm soát. Thậm chí có thời điểm, nước thối đã về đến trạm bơm Văn Giang”, ông Hiển nói.
Được biết, từ ngày 18/1, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Bộ Công an lập “ban chuyên án” đi kiểm tra đột xuất các đơn vị xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, yêu cầu các đơn vị không xả trộm nước vào ban đêm, hạn chế lưu lượng xả hoặc không xả trong đợt lấy nước.
Mặc dù đang trong cao điểm lấy nước đổ ải đợt 1, tuy nhiên nhiều địa phương trong hệ thống Bắc Hưng Hải như huyện Bình Giang (Hải Dương) và các huyện phía Nam tỉnh Hưng Yên đang ngần ngại, chưa lấy nước vào nội đồng bởi phát hiện nguồn nước không đảm bảo…
Theo ông Nguyễn Anh Tú, GĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên, từ ngày 15/1, nguồn nước sông Hồng tại cống Xuân Quan dâng cao nhưng do hệ thống ô nhiễm, bởi vậy nửa đợt xả nước đợt 1, Cty xác định lấy nước vào để thau rửa hệ thống…
“Chất lượng nước của hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm mạnh do tiếp nguồn từ sông Cầu Bây (Hà Nội). Chỉ cần 10 ngày không có nước lưu thông, nước sẽ không thể sử dụng để tưới cho cây trồng, đặc biệt là các huyện phía Bắc tỉnh Hưng Yên như Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Do đó, vấn đề đảm bảo nước tưới dưỡng sẽ rất khó khăn, khi các hồ thủy điện không tăng lưu lượng xả”, ông Tú chia sẻ. |