Ngày 15-1, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa ba công ty: cổ phần Ðầu tư địa ốc Ðất Vàng, CMI (Vương quốc Bỉ) và DCA, nhằm đồng sức tài trợ 450 triệu euro cho TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, với nguồn kinh phí này, các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng thành phố hoàn thành các mục tiêu: Ðến năm 2020, cơ bản thực hiện các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ðến năm 2050, thành phố sẽ chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái.
V.N
Thuê cầu, đường bằng ngân sách
Ngày 15-1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương cho phép TP Hồ Chí Minh được dùng tiền ngân sách thuê lại cầu đường do các doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, thay vì thành phố phải bỏ tiền ngân sách như trước đây để đầu tư vào các công trình cầu, đường thì nay sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tự đầu tư, sau đó, thành phố sẽ dùng tiền ngân sách thuê lại các công trình này của doanh nghiệp. Phương án này chủ yếu vận dụng cho những dự án cầu ở các vùng ngoại thành, với giá trị đầu tư từ vài tỷ đồng trở xuống. Các nhà đầu tư, kể cả người dân đủ sức thực hiện, thành phố sẽ tạo điều kiện cho xây và sau đó thuê lại để người dân sử dụng. Trước mắt, sẽ triển khai phương án này tại huyện Nhà Bè với bốn cây cầu sắt đang hư hỏng mà người dân nhiều lần kiến nghị cơ quan nhà nước tại các buổi tiếp xúc cử tri.
H.A
Nhiều tuyến kênh rạch sẽ “hồi sinh”
Ðó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh ngày 15-1. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, đơn vị này đã tập trung thực hiện các dự án cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở các quận, huyện ngoại thành thành phố như: Trần Quang Cơ, kênh Trung Ương, rạch Cầu Sa, rạch Cung, rạch Lồng Ðèn… ở quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Trong số những tuyến kênh rạch nói trên, rạch Cầu Sa là tuyến thoát nước có phạm vi ảnh hưởng lớn với tổng chiều dài hơn 10 km, chảy từ huyện Bình Chánh qua huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, cho nên cần thực hiện ngay. Giai đoạn 1 của dự án, đã nạo vét đoạn hạ nguồn với chiều dài gần 2 km. Dự kiến trong giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được nạo vét với tổng chiều dài hơn 3,2 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2018. Tiếp đó, Trung tâm chống ngập sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng và nạo vét trục tiêu thoát nước rạch Láng The (huyện Củ Chi). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 226 tỷ đồng; khởi công và hoàn thành trong năm 2018.