Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã nêu bật những tiềm năng lợi thế của tỉnh, như điều kiện tự nhiên đủ cả đồng bằng, núi, rừng và biển đảo..
Sáng 15/1, tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách và các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã nêu bật những tiềm năng lợi thế của tỉnh, như điều kiện tự nhiên đủ cả đồng bằng, núi, rừng và biển đảo… để phát triển kinh tế, du lịch. Thổ nhưỡng của tỉnh phù hợp cho trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Hàng năm Kiên Giang sản xuất sản lượng lúa đạt trên 4,5 triệu tấn, có khả năng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. Kinh tế thủy sản với trữ lượng khai thác cá, tôm khoảng 500 ngàn tấn/năm, diện tích nuôi tôm hơn 100 ngàn ha, xuất khẩu thủy sản đông lạnh hàng năm trên 36 ngàn tấn. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng.
“Kiên Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Với phương châm “Tiềm năng của Kiên Giang là cơ hội của doanh nghiệp”, doanh nghiệp ở đâu có khó khăn thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cam kết.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), đánh giá Kiên Giang là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế đa dạng cho phát triển kinh tế, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Du lịch đang có bước phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch biển, đảo ngày càng đa dạng…
Tuy nhiên, ngành kinh tế và nông nghiệp của Kiên Giang vẫn tồn tại một số hạn chế như kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ven biển, hải đảo chưa đảm bảo yêu cầu phát triển; nguồn lợi thủy sản ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) quan tâm đến dự án khu nuôi tôm công nghệ cao kết hợp với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Quang có ý định nuôi ruồi lính đen từ bùn thải nuôi tôm, bã bia… để lấy ấu trùng làm đạm chế biến thức chăn nuôi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thủ tục khó khăn, nhất là việc phải khảo nghiệm mất thời gian dài, tốm kém dẫn đến nản chí nhà đầu tư. Theo ông Quang: “Có nhiều thành tựu các nước trên thế giới đã ứng dụng lâu rồi nhưng khi vào Việt Nam vẫn phải làm khảo nghiệm lại từ đầu với thủ tục rườm rà. Chính điều này khiến mình luôn đi sau và lạc hậu so với thế giới”.
Sau tọa đàm, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Kiên Giang đã có phiên kết nối, lắng nghe và trả lời trực tiếp những vấn đề mà nhà đầu tư, doanh nghiệp đang quan tâm hay vướng mắc cần tháo gỡ.
Tại diễn đàn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA), nêu nhiều dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, như: Khu du lịch sinh thái U Minh Thượng, Khu du lịch quần đảo Bà Lụa, Khu du lịch Tà Lu – Mũi Nai; Nhà máy điện trấu, điện gió, điện mặt trời; Dự án trồng rau sạch công nghệ cao, nuôi tôm nhà kính, tôm – lúa hữu cơ, nhà máy chế biến lương thực…