Để tháo gỡ vướng mắc và khó khăn trong hoạt động, giúp các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển một cách căn cơ, bền vững trong thời gian tới, Sở NN-PTNT TPHCM đã tổng kết về tình hình hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như việc thực hiện Luật HTX năm 2012.
Hết quỹ đất nông nghiệp
Bên cạnh chính sách chung, TPHCM còn ban hành nhiều chính sách riêng nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn có điều kiện phát triển hơn, tuy nhiên trong quá trình hoạt động thực tế, các HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Đạt, đại diện HTX Đơn Dương (huyện Hóc Môn), cho biết đơn vị muốn phát triển trang trại trên địa bàn TPHCM để xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bởi TPHCM là thị trường tiêu thụ nông sản với số lượng rất lớn, thổ nhưỡng phù hợp với cây ngập nước (rau ăn lá như rau muống, quế vị, rau nhút…) và một điều rất quan trọng là thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi tìm thuê đất nông nghiệp để sản xuất “đỏ mắt” vẫn không có, HTX Đơn Dương phải “xoay” bằng cách mời gọi nông dân liên kết để hình thành trang trại sản xuất tập trung, nhưng vẫn không thể có đủ diện tích đất cần thiết. Do vậy, HTX Đơn Dương buộc phải tìm đến các tỉnh lân cận TPHCM.
“Diện tích nhỏ, lẻ thì không thể đưa cơ giới hóa, tự động hóa hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nếu hình thành đất tập trung dạng trang trại thì sẽ có kế hoạch sản xuất hợp lý, đồng thời quản lý được nông dân trong quá trình trồng trọt như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó, sản phẩm đảm bảo chất lượng. Nhiệm vụ của HTX là bao tiêu sản phẩm, có kế hoạch và phân bổ diện tích phù hợp để có sản lượng cố định, tránh tình trạng sản xuất VietGAP hay hướng hữu cơ mà lại phải bán rẻ ra ngoài chợ. Người đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ yên tâm sản xuất hơn”, ông Đạt chia sẻ.
Với HTX Phước An (huyện Bình Chánh), lãnh đạo HTX lập 7 tổ sản xuất rau củ quả thay phiên cung cấp liên tục suốt tháng. Để có đủ sản phẩm cho các đơn hàng, HTX có kế hoạch tổ chức sản xuất, bố trí 40 loại cây trồng gối đầu và nhóm hộ trồng từng loại cây khác nhau. Có nhiệm vụ bao tiêu đầu ra, trước khi thu hoạch HTX kiểm tra nhật ký đồng ruộng, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật và lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra nhanh sản phẩm…
Tương tự, về sản xuất, HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) đã kiểm soát được chất lượng, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn như sản lượng hàng hóa vào siêu thị không nhiều, nhà xưởng chưa đạt chuẩn yêu cầu cho phục vụ sơ chế rau VietGAP, công nhân thường xuyên thay đổi…
Theo UBND huyện Củ Chi – địa phương có nhiều HTX nông nghiệp, chính sách hỗ trợ vốn cho HTX có không ít, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng vẫn còn hạn chế, chủ yếu do không có tài sản thế chấp. UBND huyện Bình Chánh cho biết, hiện có 2 HTX đặt trụ sở trên địa bàn huyện nhưng lại hoạt động tại địa phương khác và có nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài sản, vốn. Sở NN-PTNT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc hỗ trợ những trường hợp này, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách.
Cần chủ động, không ỷ lại
Theo Sở NN-PTNT, tại TPHCM, trong 26 HTX nông nghiệp thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên, có 21 HTX đang trực tiếp sản xuất với tổng diện tích gieo trồng là 481ha (trong đó, 7 HTX đã đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 203ha). Nhiều HTX vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước thay vì phát huy tối đa nội lực; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thiếu; cơ sở hạ tầng còn hạn chế…
Một nguyên nhân quan trọng khiến các HTX chưa yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất là diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, do quá trình đô thị hóa. Điều này khiến các HTX chỉ có quy mô sản xuất nhỏ, khó thu hút doanh nghiệp đến hợp tác hay đầu tư giải quyết khâu đầu ra của sản phẩm. Sở NN-PTNT đang tổng hợp (nội dung, quá trình thực hiện, nguồn kinh phí, đề xuất, kiến nghị) và dự thảo công văn cho UBND TPHCM về việc phân công trách nhiệm các đơn vị liên quan, hỗ trợ HTX xây dựng thành công mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, đồng tình với ý kiến của HTX Đơn Dương: Nông dân chỉ có nhiệm vụ sản xuất, còn mở rộng thị trường là phải do HTX. Từ đó, mới có thể phát triển HTX kiểu mới. Nếu như HTX có hợp đồng ổn định lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ làm việc với ngân hàng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cho vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, giống…
Có thể phát huy HTX nông nghiệp kiểu mới (tập trung giống như trang trại) trở thành điểm du lịch thu hút du khách đến TPHCM, như một số HTX đã và đang làm. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng, yếu tố quyết định sự phát triển của HTX, sở sẽ cung cấp thông tin giá cả, định hướng thị trường thông qua trang thông tin, truyên truyền quảng bá sản phẩm qua kênh hội chợ, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, năng cao năng lực kinh doanh và đưa các chính sách ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp…