Với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đã vượt khó đi lên và năm 2018, để đạt được những đích mới, sẽ không thể chủ quan.
Nhân dịp năm mới 2018 và trong không khí chờ đón tết Mậu Tuất đang tới gần, chương trình Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, xung quanh các vấn đề của nông nghiệp, nhìn lại năm 2017 và hướng tới năm 2018.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhìn lại năm 2017, ông cảm thấy đâu là những chuyển biến tích cực thành công nhất của nông nghiệp Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017 là năm thử thách rất lớn cho khu vực nông nghiệp. Trước hết nói về thiên tai, đây là một năm vô cùng khốc liệt và có thể nói là khốc liệt nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm đồng bộ của các doanh nghiệp và bà con nông dân, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tăng trưởng đạt 2,9%, vượt kế hoạch ban đầu của Chính phủ giao.
Thứ hai, lần đầu tiên chúng ta cán đích xuất khẩu đạt 36,37 tỷ. Đây là một mốc rất cao trong bối cảnh thị trường thế giới gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta cũng cán đích đạt trên 32%.
Có thể nói, với những chỉ tiêu chung đánh giá năm 2017 thì khu vực nông nghiệp thực sự là khu vực vượt khó đi lên để có những thành quả đáng trân trọng như vừa qua.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tuy nhiên nhìn lại năm 2017 và các năm trước nữa, chúng ta luôn gặp phải tình trạng đặc trưng của ngành nông nghiệp là , được mùa thì rớt giá, ví dụ như dưa hấu, hay trong năm vừa qua là thịt lợn. Ông dự kiến phải giải quyết những bài toán cung- cầu đó như thế nào trong năm 2018?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có thể thấy rằng, bản chất nền kinh tế của nước ta vẫn dựa trên nền kinh tế nông nghiệp với quy mô hộ nhỏ lẻ, với 8,6 triệu hộ, 77 triệu miếng ruộng. Hiển nhiên đây là một nội dung căn cốt, một nút thắt lớn của ngành nông nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu.
Sau 4 năm tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung chuỗi giá trị và hướng đến thị trường quốc tế, rõ ràng năm 2017 tiếp nối những năm trước, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khả quan.
Chúng ta đã cơ cấu lại các ngành hàng, nhất là những nhóm ngành hàng chủ lực quốc gia, tổ chức lại từng bước theo hướng từng vùng và sản xuất chuỗi, gắn giữa vùng nguyên liệu hộ với chế biến cùng với công tác xúc tiến thương mại. Đây là một kết quả bước đầu, theo chúng tôi đánh giá là rất khả quan, đặc biệt trong những nhóm ngành hàng mà chúng ta có lợi thế, ví dụ như thủy sản, trái cây…điển hình nhất là trái cây.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát hiện và đưa những mặt hàng mà ta có thế mạnh, không chỉ có thế mạnh về tiềm năng sản xuất, mà còn có thế mạnh về nhu cầu thị trường thế giới đi ra ngoài.
Cùng với đó, chúng ta đã kêu gọi được nhiều thành phần kinh tế tham gia thực hiện chuỗi giá trị từ xây dựng vùng nguyên liệu cho tới chế biến và xúc tiến thương mại. Chính vì thế, có thể nói, chúng ta đang đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu và bước đầu đã gặt hái được kết quả.
Đương nhiên, còn rất nhiều nút thắt khác trong nông nghiệp mà tới đây chúng ta phải tập trung. Ví dụ như các ngành hàng phát triển chưa đều, các khâu phát triển chưa đều và nổi lên là tính liên kết giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp để hình thành nên các vùng sản xuất tập trung theo các đối tượng ngành hàng, hay sự thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng để lựa chọn đúng các đối tượng và phát huy lợi thế, nhằm giảm thiểu các tổn thương khi thiên tai đến.
Đồng thời, chúng ta cũng phải chú ý hơn nữa đến những thế mạnh nông sản mà nhu cầu thế giới đang tăng trưởng mạnh, nhu cầu tăng trưởng rất cao trong khi sức cung chưa đáp ứng, thì chúng ta phải tận dụng những tiềm năng đó để tập trung phát triển.
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp rất nhiều thách thức. Trong khi đó, nông nghiệp lại gắn liền với đời sống của hàng triệu người nông dân, chiếm tới 70% dân số Việt Nam. Mới đây tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã nêu: tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa được mạnh mẽ và chúng ta không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, ông tâm tư như thế nào về điều Thủ tướng vừa nói?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta mới đạt được những kết quả bước đầu, đúng là chúng ta không thể chủ quan được, vì nhìn toàn cục, rõ ràng kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn còn những khâu dể tổn thương.
Ví dụ như liên kết chưa chặt chẽ giữa các ngành hàng, hay trong công tác chế biến…về tổng quan, có thể nói là rất nhiều ngành hàng còn yếu.
Thứ ba là tổ chức thương mại kể cả hai khu vực thị trường trong nước và quốc tế vẫn chưa thực sự quy củ, chặt chẽ, hiện đại.
Đây là những điểm yếu chúng ta phải tập trung trong năm 2018, cũng như trong các năm tới, phải tập trung đi sâu vào hơn nữa. Có làm được điều đó thì chúng ta mới đảm bảo cho một nền tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, hay nói đúng hơn là đem lại giá trị cao nhất cho bà con nông dân là trước hết và các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị của ngành hàng này.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa ông tôi hiểu được con số giá trị xuất khẩu đạt được là 36 tỷ USD của năm 2017 là cả sự nỗ lực vượt bậc. Nhưng mới đây Thủ tướng lại yêu cầu đạt ngành nông nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu cho năm 2018 là 40 tỷ USD. Vậy ông có cảm thấy đây là mục tiêu rất khó khăn hay không và ông dự kiến sẽ phải làm gì để đạt được mục tiêu này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm nay, Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch phải đạt được là 38 tỷ USD về xuất khẩu nông sản, nhưng Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt 40 tỷ USD.
Đây là một chỉ tiêu rất cao trong một bối cảnh chúng ta chịu rất nhiều thách thức của thiên tai, trong điều kiện chúng ta đang tập trung mạnh mẽ tái cơ cấu, tất nhiên, tái cơ cấu đòi hỏi cần một khoảng thời gian, trong một hoàn cảnh cạnh tranh thị trường nông sản trên thế giới rất quyết liệt.
Tuy nhiên, bằng nền tảng đã đạt được trong suốt thời gian vừa qua, với một quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là niềm tin, sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và của bà con nông dân như vừa qua, chúng tôi tin rằng với những chính sách của Đảng và Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn với một quyết tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội, thì những mục tiêu cao này chúng ta sẽ cố gắng cao nhất để có thể đạt được kỳ vọng của cả xã hội và Chính phủ.
Nhà báo Phạm Huyền: Trong năm 2018, ông dự kiến sẽ làm như thế nào để có thể đưa đời sống của người nông dân Việt Nam trở nên khá hơn, giàu có hơn và người nông dân Việt Nam có thể hưởng thụ thành quả từ giá trị tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp mang lại?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Rõ ràng thách thức còn rất nhiều. Nhưng bằng kết quả đạt được của năm 2017, bằng sự vào cuộc rất quyết tâm và đầy sáng tạo của bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế chung của ngành nông nghiệp, chúng tôi kỳ vọng trong năm 2018, bà con nông dân và các thành phần kinh tế sẽ vào cuộc quyết liệt hơn để cố gắng tái cơ cấu nền nông nghiệp và đạt được những đích mới.
Đồng thời, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kỳ vọng, sao cho chúng ta có một khu vực xã hội nông thôn ngày một xanh, sạch, đẹp và đời sống của bà con nông dân sẽ ngày càng được cải thiện, tiến bộ.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cám ơn ông đã trả lời báo điện tử VietNamNet. Nhân dịp chúng ta đang chuẩn bị đón xuân Mậu Tuất, chúng tôi xin chúc ông cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm thực hiện được những ước nguyện của mình và chúc ông cùng gia đình sẽ đón một cái tết ấm áp và hạnh phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vâng, xin cám ơn cơ quan truyền thông trong những năm qua đã chung sức cùng ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn để thực hiện được các mục tiêu cao cả là đưa khu vực nông nghiệp, cũng như nông dân chúng ta ngày càng phát triển!