Sau 9 năm được phê duyệt và triển khai thi công, nhưng đến nay Dự án cống hóa mương Giang Văn Minh (Kẻ Khế) vẫn dở dang, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân nơi đây. Ngày mưa thì lụt lội kéo theo rác và nước thải, ngày nắng thì mùi hôi bốc lên nồng nặc từ rác tập kết lâu ngày trên tuyến mương chưa hoàn thiện. Chính quyền địa phương đã nỗ lực vào cuộc, nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn…
Tuyến mương Giang Văn Minh nằm trên địa bàn các phường Đội Cấn, Kim Mã (quận Ba Đình) thuộc dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (BQLDA) làm chủ đầu tư. Dự án này được thành phố phê duyệt năm 2008. Trên địa bàn 2 phường Kim Mã và Đội Cấn, chủ đầu tư đã thi công được khoảng 350m và hiện tại dừng thi công.
Tuy nhiên, hệ thống rãnh phục vụ thu gom nước thải cho các hộ dân trong phạm vi thi công của dự án chưa được triển khai, một số vị trí cống chưa lắp đặt tấm đan dẫn đến tình trạng thường xuyên xảy ra úng ngập khi trời mưa. Do dự án chậm tiến độ, công tác quản lý mặt bằng thi công chưa được chủ đầu tư quan tâm thực hiện, nên phát sinh việc lấn chiếm và biến thành nơi đổ rác sinh hoạt, phế thải xây dựng… gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại khu vực.
Có mặt ở cuối ngõ 100 phố Đội Cấn nơi tiếp giáp và thông với hai ngõ 34 và 36 phố Giang Văn Minh mới thấy sự khổ cực của người dân nơi đây. Đoạn đường từ phố Giang Văn Minh đi vào ngõ 34 và 36 lồi lõm bởi nhiều “ổ voi”, “ổ gà”. Bề mặt mương, mặc dù đã được cống hóa, đổ nắp bê tông, nhưng không thể đi được vì nơi đây đã trở thành điểm tập kết phế thải xây dựng, rác thải… Phần tiếp giáp với cống bê tông, là những hố nước thải ùn ứ lâu ngày, màu đen ngòm bốc lên mùi hôi thối.
Bà Nguyễn Thị Loan, bán hàng tạp hóa trong ngõ cho biết: “Bây giờ tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều do được lực lượng chức năng dọn dẹp, trước đây rác thải, phế thải chất thành đống”. Theo bà Loan, tình trạng này diễn ra từ cuối năm 2016 khi dự án hoàn thành đổ bê tông phần cống chính. Khổ nhất là những hôm mưa lớn, do hệ thống cống gom từ các khu dân cư chưa được đấu nối vào hệ thống cống chính gây ra ùn ứ nước thải. Một trận mưa là nước tràn đen sì, ngập hết khu dân cư…
Ngày 25-9 và 18-12-2017, quận Ba Đình đã có văn bản đề nghị BQLDA đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ công trường thi công; trường hợp chưa tiến hành thi công dự án, quận đề nghị lắp đặt rào chắn để bảo vệ, chống tình trạng tái lấn chiếm tại khu vực này. Bên cạnh đó, quận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các phường: Kim Mã, Đội Cấn, Chi nhánh Ba Đình – Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tổ chức thu dọn đất, rác thải, phế thải xây dựng với khối lượng gần 2.000m3; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. Nhưng, do công tác quản lý mặt bằng thi công của chủ đầu tư chưa tốt, chưa có rào chắn bảo vệ công trường thi công, nên tình trạng tái vi phạm, đổ rác, phế thải… tái diễn gây bức xúc trong dư luận.
Có mặt tại hiện trường để yêu cầu các hộ kinh doanh phá dỡ phần lấn chiếm, huy động các đơn vị thu dọn vệ sinh, Trung tá Nguyễn Văn Nguyên, Phó trưởng Công an phường Kim Mã chia sẻ, để gìn giữ vệ sinh môi trường khu vực này lâu dài cần có sự quyết liệt của chủ đầu tư. Mặc dù người dân ở xung quanh dự án đã treo biển cấm đổ trộm, chính quyền hai phường đã phân công lịch trực cụ thể các ngày trong tuần, nhưng vào ban đêm thì không quản được.
Thiết nghĩ, để giữ gìn môi trường sống của người dân trong khu vực, chủ đầu tư dự án cần có trách nhiệm cụ thể. Nếu dự án chưa bố trí được vốn để hoàn thành những phần việc còn lại thì cần có biện pháp để bảo vệ môi trường, chống việc đổ trộm phế thải, rác thải và lấn chiếm tại khu vực.