Tàn sát rừng lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo, “máu” chảy giữa chốn tâm linh

Gỗ lớn – báu vật của rừng già, một mặt hàng quốc cấm bị thảm sát tàn khốc. Những công xưởng xẻ gỗ được lập ngay tại vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để thuận tiện cho lâm tặc “lóc thịt, moi gan” rừng.

Chúng tôi tự hỏi: Ai đã nhuộm đỏ lá phổi xanh? Hành trình đưa gỗ khỏi rừng ra sao?

“Máu” chảy giữa chốn tâm linh

Chúng tôi đã rất sửng sốt và kinh ngạc khi chứng kiến “công trường” tàn phá rừng quy mô lớn đầu tiên ở vùng lõi VQG Tam Đảo. Bởi địa điểm này nằm trong khu di tích danh thắng Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), được giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt của rất nhiều người.

Gỗ lớn bị cắt khúc nằm ngổn ngang dọc lối mòn trong vùng lõi

Vào vai khách du lịch, chúng tôi được P. (một lâm tặc đã giải nghệ) dẫn đến các địa điểm phá rừng. P. bảo: “Anh chưa thấy báo chí viết về phá rừng VQG Tam Đảo bao giờ. Bởi, lâm tặc ở đây nổi tiếng ác bá. Nếu có người phản bội dẫn nhà báo vào rừng, chúng sẽ khiến họ sống dở chết dở”.

Khu vực đền Cô Bé (khu di tích danh thắng Tây Thiên) đang bị lâm tặc tàn phá bạo liệt. Muốn lên đó có hai đường, ngồi cáp treo lên Đền Thượng rồi vòng xuống, hoặc men theo đường mòn bậc thang độc đạo lên núi 7 km. “Đi bộ sẽ chứng kiến được sự tàn khốc của phá rừng, bởi dọc đường đi có rất nhiều cây gỗ mới bị cưa đổ, cắt khúc nằm ngổn ngang. Tuy nhiên, cung đường này dầy đặc “chim lợn”. Chúng có thể là những người vác hàng thuê, có thể là chủ quán nước. Nếu hành động sơ sẩy, tai bay vạ gió ập tới bất cứ lúc nào”, anh ta nói.

Chúng tôi chọn leo đường bộ. Đúng như P. mô tả, đoạn đường từ khu vực Thác Bạc lên đền Đền Thượng chính là “cung đường phá rừng”. Bởi ở đó có nhiều cây gỗ quý cổ thụ, giá trị cao. Lâm tặc rất tinh quái. Chúng không đốn hạ cây gỗ ngay sát lối đi mà rẽ theo những lối nhỏ hơn như xương cá cách đó khoảng 200 – 300 mét để tìm gỗ quý.

Một đống gỗ được lâm tặc xẻ và cất giấu sau một tảng đá lớn ở khu vực đền Cô Bé

Sau một hồi xé rừng, vén dây leo chằng chịt vào sâu bên trong. Những xác cây cổ thụ bắt đầu lộ ra. Hai cây gỗ dổi lớn vừa mới bị chém gục, đổ rạp xuống án ngữ lối đi. Cây dổi cao hàng chục mét, đã bị cưa đứt làm đôi.

Từ Thác Bạc hướng về đỉnh núi, bàn chân chúng tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu xác gỗ đã bước qua. Tuỳ mục đích sử dụng, kẻ phá rừng có thể xẻ gỗ thành nhiều kiểu loại: cắt khúc gỗ tròn làm thớt, làm cột trụ nhà; xẻ thành tấm ván, tấm phản dầy 3 – 10 cm; làm khối trụ vuông… Vết cưa chém gỗ có cả cũ và mới. Có những cây còn nguyên mùi nhựa mới,…

Qua ải “chim chim”

Đi qua đền Cô Bé chừng 200m, tiếng cưa máy mỗi lúc một rõ. Chúng tôi dừng chân ở quán nước của ông C. – người đàn ông tuổi trung niên có bộ tóc húi cua.

Thấy giầy dép và ống quần phía dưới của chúng tôi lấm lem, chủ quán nhìn từ đầu đến chân với ánh mắt dò xét rồi hỏi: “Ba chú leo bộ lên đền Thượng à? Sao không đi cáp treo? Lên đây chơi hay làm gì thế?…”. Để đánh lạc hướng, chúng tôi trả lời là “leo bộ để tiết kiệm tiền đi lại”. P. rỉ tai tôi bảo: “Ông C. chính là bố đẻ của một đầu nậu gỗ ở xã Đại Đình”.


PV NNVN bên cạnh một khúc gỗ vừa được xẻ hộp

Có thể đám “chim lợn” đã đánh hơi thấy sự nguy hiểm. Bởi vậy, 3 phút sau, tiếng cưa máy tắt hẳn. Để tiếp cận “công xưởng khai thác gỗ” quy mô lớn này, chúng tôi giả đò leo bộ lên đền Thượng, sau đó xé rừng quay ngược xuống.

Một bãi chiến trường phơi xác gỗ quý hiện ra la liệt. Mùn cưa còn mới tinh, bụi bay lơ lửng. Dầu máy cưa bốc lên hăng nồng. Một cây gỗ sến mọc giữa khe tảng đá lớn bị cắt cụt, đường kính 70 cm, lõi đặc sệt, màu nâu sậm. Cạnh đó có hàng loạt cây gỗ lớn, đủ loài (lát, dổi…) cũng đổ rạp, tạo thành một khoảng rừng trống trải. Thân gỗ được xẻ thành từng tấm với chiều dài, kích cỡ khác nhau, được tập kết sau một tảng đá lớn chờ vận chuyển xuống núi. Dù là gỗ quý, nhưng lâm tặc lựa chọn rất khắt khe. Nếu phát hiện thấy vết rỗng, sâu mọt đục vết nhỏ phía trong, chúng sẽ bỏ lại cả cây giữa rừng.

P. cho biết: Sau khi cắt gỗ, toán lâm tặc dùng tàu lá dừa, lá chuối… che lấp để tránh sự chú ý của nhiều người. Với mức độ tàn phá như mấy năm nay, chẳng bao lâu nữa, rừng Tam Đảo sẽ tuyệt chủng cây gỗ quý cổ thụ.

Rừng Lim rên xiết

Rời khỏi đây, chúng tôi xuống núi Tam Đảo để mục sở thị những cây lim xanh cổ thụ ở xã Đại Đình bị triệt hạ. Rừng lim này nằm ở khá gần khu dân cư. Được lực lượng kiểm lâm đánh số từng gốc để quản lý. Thế nhưng, vừa đặt chân đến khu vực Lõng Dâu (gần khu dân cư thôn Sơn Đình, xã Đại Đình), xác hai cây gỗ lim (đường kính gốc khoảng 70cm) vừa mới bị lâm tặc triệt hạ đã lòi ra trước mắt. Lá vẫn xanh, cành vẫn tươi, mùi đặc trưng của gỗ lim vẫn hăng nồng khiến chúng tôi hắt hơi liên tục. Phần thân đã bị lâm tặc chuyển đi, nhưng cành cây có đường kính lên tới 30cm vẫn nằm lại ngổn ngang.

Bãi chiến trường xác gỗ ở vùng lõi VQG Tam Đảo nằm cạnh những cây gỗ quý còn trơ gốc

Giữa hai cây lim bị triệt hạ, những vỏ lon nước uống vứt tứ tung. Những mẩu bánh mỳ còn rất mới, chúng tỏ lâm tặc vừa mới rời đi. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, suốt một thời gian dài, hàng loạt cây lim cổ thụ đã bị đốn hạ, nhường chỗ cho rừng keo và bạch đàn mọc lên. Dấu vết còn sót lại là những gốc cây đen thui, bị tẩm xăng đốt cháy để phi tang hoặc lấy than. Nhưng, còn vô số “cụ lim” mãi mãi không tìm thấy xác, bởi chúng đã được đào tận rễ để tận thu gỗ lũa.

Biết chúng tôi đang tìm mua gỗ lim xanh xã Đại Đình, Ngọc (một người dân bản địa) dẫn mối đến gặp thanh niên tên Giới. Sau khi dẫn đi xem gỗ lim, được cất giấu trong một căn nhà cấp 4 lợp ngói ở vườn, Giới khoe: Lim xanh ở Đại Đình là hàng quốc cấm, nói thẳng là hàng ăn trộm. Hàng đẹp (đường kính lõi ngọn cây từ 30 – 35cm) có giá 32 triệu đồng/m3.

“Ở xã này chỉ mỗi em và một người khác có thể chuyển gỗ rừng Tam Đảo ra khỏi cửa rừng. Bất cứ ai muốn bán gỗ đều phải thông qua em, nếu không sẽ bị bắt”, Giới khẳng định và nói thêm: “Đường đi em bảo lãnh. Anh thích về chỗ nào cũng được, 100 km quay lại là thoải mái”.

Giới (bìa phải) khẳng định: Có thể chở gỗ lim xanh từ xã Đại Đình đi bất cứ chỗ nào trong phạm vi dưới 100km

Một bà lão bán hàng nước ở cạnh Thác Bạc bảo: “Trước đây rừng vẫn còn đầy sến với cây cổ thụ. Nhiều chỗ bóng nắng cũng không nhen (len lỏi) được xuống. Nhưng giờ gỗ tốt lấy hết rồi, chủ yếu là cây con và gỗ tạp. Tiếc lắm”.

Nguồn: