Nhiều nước trên thế giới tiếp tục điêu đứng vì thời tiết khắc nghiệt

Thời tiết khắc nghiệt đã tấn công nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha hay Trung Quốc và Australia trong suốt tuần qua.

Tình trạng giá lạnh khủng khiếp tại Mỹ, Tây Ban Nha hay Trung Quốc được cho là do ảnh hưởng từ hiện tượng ‘bom thời tiết’, một trận bão kèm theo khối không khí siêu lạnh không khác gì nhiệt độ ở Bắc Cực.


Người dân New York đi làm trong giá lạnh khủng khiếp. Ảnh: Getty Images

Trái ngược với thời tiết giá rét ở Mỹ, Trung Quốc và Tây Ban Nha, người dân Australia lại đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng bất thường với nhiệt độ lên tới gần 50 độ C.

Mỹ gần như ‘đông cứng’, mọi sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn hơn khi tình trạng nhiệt độ mùa đông ở nước này xuống thấp kỷ lục, kèm theo đó là những cơn gió cắt da cắt thịt.

Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ (NWS) ngày 7/1 thông báo, sau khi “bom bão tuyết” càn quét qua khu vực Đông Bắc nước Mỹ, nhiệt độ tại khu vực này giảm mạnh kỷ lục xuống còn 0oC.

Cũng trong ngày 7/1, nhiệt độ tại đỉnh núi Washington, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ hạ xuống mức -68 độ C, lập kỷ lục lạnh thứ hai trên hành tinh (sau Nam Cực).

Thời tiết khắc nghiệt dưới -20 độ C còn khiến thác Niagara, ngọn thác lớn nhất và là đường biên giới tự nhiên giữa Mỹ và Canađa gần như đóng băng. Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ dự đoán, giá lạnh còn tiếp tục trong tuần này.

Trong khi Bờ Đông chưa hết lạnh, Bờ Tây nước Mỹ xuất hiện một cơn bão đang hình thành ở Thái Bình Dương và đang hướng tới bang California. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, cơn bão này sẽ gây mưa lớn, lụt, sấm sét và có thể mất điện ở một số thành phố. Tuyết lạnh cũng sẽ rơi tại khu vực dãy núi Nam California.

Cùng chung tình cảnh giống nước Mỹ, giá lạnh cũng đang tấn công Trung Quốc. Tuyết rơi dày và thời tiết xuống mức đóng băng tại nhiều khu vực ở miền bắc, trung và đông nước này từ hôm 3/1 đã khiến 10 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn nửa triệu người ở 5 tỉnh. Thiệt hại nông nghiệp ước tính khoảng 79 triệu USD.

Bão tuyết được dự báo tiếp tục càn quét các tỉnh miền Trung của Trung Quốc, nơi vừa trải qua những ngày tuyết rơi dày đến 30 cm. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, tuyết bắt đầu rơi lại vào hôm qua tại các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc và An Huy; dự báo các tỉnh vùng Đông Bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang cũng sẽ có tuyết rơi trong tuần này.

Dự báo thời tiết cũng cho hay, vùng núi hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông ở phía Nam cũng có thể có tuyết rơi nhẹ. Mưa tuyết đã xuất hiện tại khu vực phía bắc tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, cũng như các tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến và sẽ kéo dài đến sáng 9/1.

Hiện công viên động vật hoang dã Tần Lĩnh ở thành phố Tây An đang tăng cường các biện pháp để bảo đảm giữ ấm cho các động vật quý hiếm nuôi nhốt ở đây sau khi tuyết rơi mạnh khiến nhiệt độ xuống thấp bất thường ở tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc.

Một nhân viên tại công viên này cho biết:“Tuyết rơi dày, nên chúng tôi đã phải trang bị nhiều thiết bị sưởi ấm để giúp các động vật tới từ châu Phi có thể dần thích nghi với khí hậu ở đây, ở Tây An. Còn một số loài động vật sống trên đồng cỏ thì có vẻ đã quen với cái giá lạnh nên thích nghi tốt hơn”.

Cũng khốn đốn vì băng tuyết, tại Tây Ban Nha, gần 70km đường cao tốc nối thủ đô Madrid với khu vực lân cận Segovia đã bị bao phủ trong băng tuyết, khiến giao thông ách tắc trong nhiều giờ.

Đã có gần 4000 lái xe đã buộc phải nghỉ qua đêm trên đường cao tốc, trong đó chủ yếu là những du khách đang trên đường trở về nhà sau kỳ nghỉ lễ. Lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng được huy động để dọn dẹp băng tuyết ở trên đường nhằm giải cứu những người bị nạn. Việc di chuyển trên đường cao tốc này vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tuyết có thể tiếp tục rơi.

Trái ngược hoàn toàn với các nước đang trải qua đợt rét kỷ lục thì miền đông Australia đang phải chịu cảnh nắng nóng thiêu đốt, thậm chí khiến mặt đường nhựa tan chảy.

Thành phố Sydney vừa trải qua ngày nóng nhất trong vòng 79 năm, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 47,3 độ C. Khoảng 7.000 hộ gia đình khắp bang New South Wales bị cắt điện do nắng nóng.

Nhiều chuyên gia về khí tượng học trên thế giới nhận định, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm cho các hiện tượng thời tiết biến chuyển theo chiều hướng cực đoan, khắc nghiệt hơn trước.

Nguồn: