Sáng nay 4-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN-PTNT tổ chức với 63 tỉnh và thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2017, ngành nông nghiệp đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp, kéo dài trên khắp cả nước, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và áp dụng nhiều chính sách bảo hộ.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Sức sản xuất khá lớn, trong khi vẫn dựa trên hình thức quy mô hộ nhỏ lẻ, phân tán.
Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo kịp thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (13,0%) so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Trong năm 2017, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo phát triển thị trường, tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Vì vậy, trừ mặt hàng thịt heo 9 tháng đầu năm tồn kho nhiều, giá giảm thì hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh.
Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; cao su tăng 35,6%; gạo tăng 23,2%; điều tăng 23,8%; tôm tăng 22,3%; đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%…
Trong 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, đã có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng và tháo gỡ nhiều rào cản, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục. Các hình thức tổ chức liên kết sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngày càng được chú trọng phát triển.
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, niềm tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng. Công tác phòng chống thiên tai được quan tâm, từng bước hoàn thiện về tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra; các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Để tiếp sức cho ngành nông nghiệp tiếp tục đạt các thành tựu trong năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói đầu tư hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hỗ trợ phòng chống thiên tai (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành năm 2017, nhưng chưa xử lý được).
Mức đề nghị khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó 5.400 tỷ đồng cho tái cơ cấu và 2.500 tỷ đồng cho khắc phục thiên tai và 1.100 tỷ đồng cho các dự án trái phiếu chính phủ dở dang. Bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.