Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất nước ta, chảy qua 11 tỉnh, thành phố phía Nam. Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai cung cấp cho khoảng 17 triệu dân ở lưu vực sử dụng sinh hoạt và lao động, sản xuất hằng ngày. Tuy nhiên, môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm, cần những giải pháp đồng bộ để bảo đảm đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường
Tại Hội nghị lần thứ 11, Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai diễn ra mới đây, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định: Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm bởi tình trạng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt xả vô tội vạ; dòng chảy bị nạo vét, lấn chiếm tràn lan và tình trạng nuôi cá bè, lấp sông gây ùn ứ chất thải.
Đi tìm minh chứng cho nhận định đó, chúng tôi xuôi thuyền quan sát dòng sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngay tại khu vực TP Biên Hòa, hai bên bờ, cứ cách một đoạn lại thấy hệ thống cống xả nước thải từ các nhà máy, khu dân cư đổ xuống dòng sông, đen kịt. Nước từ các con suối sau khi hứng chịu chất thải sinh hoạt từ nhiều khu dân cư cũng thi nhau dồn về các nhánh phụ chảy vào sông Đồng Nai. Đặc biệt, nạn khai thác cát tùy tiện làm sạt lở nhiều đoạn bờ và dự án lấp sông Đồng Nai đến nay vẫn chưa được xử lý, trong khi 90% đất nền dự án đã đổ xuống sông.
Cùng với đó, tình trạng cá bè, cá tự nhiên chết hàng loạt trên sông Đồng Nai, sông La Ngà (lưu vực cấp 1 ở tả nguồn sông Đồng Nai) vài năm gần đây gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước… Theo báo cáo từ cơ quan cảnh sát bảo vệ môi trường (Bộ Công an), trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai có hàng nghìn điểm xả thải đổ vào các sông, suối rồi chảy về sông Đồng Nai. Dọc lưu vực sông tồn tại hơn 200 bệnh viện, nhưng nhiều nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngoài ra, còn hơn 400 làng nghề, hàng nghìn cơ sở chăn nuôi gia súc, bè cá dọc lưu vực sông. Ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, thừa nhận: “Trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 20% cơ sở sản xuất mủ cao su, bột mì xả thải ra sông chưa được xử lý đạt chuẩn. Để bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai, tỉnh đã yêu cầu các cơ sở trên trong năm 2017 phải xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả xuống sông. Thế nhưng hiện tại yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện triệt để”.
Theo nhận định của PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước có lúc, có nơi đã lên đến mức báo động. Dù vậy, nhiều địa phương thuộc lưu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, chưa kiểm soát chặt chẽ việc xả thải và thiếu biện pháp bảo vệ môi trường cũng như chấn chỉnh tình trạng khai thác tài nguyên trái phép. Hệ lụy của nó làm giảm cả về số lượng và chất lượng thành phần môi trường, ảnh hưởng lâu dài tới đời sống con người.
Cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả
Năm 2017, các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu bảo vệ nguồn nước và môi trường lưu vực. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thực sự hiệu quả, bởi công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh, nhất là giải quyết các điểm nóng tại khu vực giáp ranh chưa tốt, thiếu những biện pháp quyết liệt, căn cơ. Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, cho rằng: 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực cần thống nhất phối hợp huy động các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, cải thiện chất lượng nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển bền vững trong khu vực.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành phố làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. PGS, TS Phùng Chí Sỹ đề xuất: “Giải pháp cần kíp và phải thực hiện ngay là kiểm soát các nguồn xả thải, phát hiện và ngăn chặn những cơ sở sản xuất-dịch vụ… xả thải lén ra môi trường theo đúng quy định của pháp luật”.
Bên cạnh việc triển khai các chương trình, đề án, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, các địa phương cần hiểu rõ vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng là vấn đề xuyên ranh giới, cần có sự phối hợp, chia sẻ, kết nối và thống nhất trong quá trình triển khai giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai bền vững các chương trình, đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là công tác quy hoạch phát triển thủy điện, khu công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản… ở thượng lưu và quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng cơ sở ở hạ lưu phải tính toán khoa học, lâu dài, phù hợp với khả năng chịu tải của dòng sông và có sự thống nhất cao giữa các địa phương, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Về hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước, tính đến cuối năm 2017, phần lớn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực đã hoàn tất các dữ liệu về nguồn thải. Thế nhưng các số liệu này chưa đưa được vào hệ thống chung để khai thác. Nhiều tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tích hợp lại các dữ liệu và đưa vào khai thác chung; đồng thời chỉ đạo triển khai đồng bộ, vận hành hiệu quả mạng lưới quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường để kịp thời ngăn chặn ô nhiễm, khắc phục suy thoái. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định: Thời gian tới, bộ sẽ chỉ đạo sát sao hơn công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Song, các tỉnh, thành phố cần tăng cường cơ chế phối hợp, khắc phục các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho mọi cá nhân, tổ chức để chung tay bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như nguồn sống của chính mình.