Phần lớn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ 20, được thiết kế để chống chọi mưa, bão ở cấp độ thấp, đến nay đã xuống cấp trầm trọng không bảo đảm an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu cùng các tác nhân do con người tạo ra.
Bài 1: Đê biển, đê cửa sông oằn mình trước bão lớn
Do thiết kế và thiếu kinh phí để nâng cấp, làm mới cho nên hệ thống đê biển, đê cửa sông ở Nghệ An đang phải oằn mình chống chịu trước những trận bão lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hiểm họa khôn lường
Đến tuyến đê biển Quỳnh Lưu, đoạn xung yếu qua xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, gặp nhiều người dân sống dưới chân đê đều kể về nỗi lo sợ khi mùa mưa bão về. Ông Trần Văn Thường (58 tuổi) ở xóm Thọ Thắng cho biết, cơn bão số 10 vừa qua, tuy nước biển dâng mới lưng chừng đê nhưng nhiều đợt sóng đã đẩy nước tràn qua đê. Bất chấp bão gió nguy hiểm, người dân cùng lực lượng xung kích đã có mặt trên đê dùng bao cát, lưới B40 ứng cứu nhưng xem ra không ăn thua với sự gào thét của biển. Rất may, sau đó bão gió giảm dần, nước rút. Ông Thường nói: “Nếu bão mạnh thêm đôi cấp và kéo dài thêm một vài giờ đồng hồ nữa thì nước biển không chỉ tràn vào xóm Thọ Thắng mà các làng chung quanh cũng chịu trận theo. Lúc đó, thiệt hại sẽ vô cùng lớn, không chỉ đe dọa tính mạng con người mà ảnh hưởng lâu dài đến đời sống nhân dân, nhất là sản xuất nông nghiệp”. Được biết, năm 1982, bão lớn đổ bộ vào cộng với triều cường, nước biển đã tràn vào Thọ Thắng và các xóm chung quanh kéo theo mọi thứ ra biển. “Ngôi nhà ba gian vững chắc rung chuyển rồi đổ sập theo con sóng, tôi chỉ kịp nhoài người lao ra biển nước, thoát thân!”, ông Thường hãi hùng nhớ lại.
Điều mà ông Thường và người dân cùng chính quyền ở đây băn khoăn: Tuy tuyến đê Long – Thuận – Thọ này đã được xây dựng từ năm 2001 và nâng cấp vào năm 2007, nhưng thiết kế chỉ chịu được bão cấp 10. Gần đây, do biến đổi dòng chảy, toàn bộ rừng phi lao chắn sóng phía ngoài đê rộng hơn 200 m đã bị nước “đào” bật gốc một quãng dài hơn 1,5 km. Không chỉ vậy, nước cũng xói đến chân đê.
Tuyến đê biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai dài hơn 2 km được đầu tư mới nhưng dở dang do thiếu vốn khiến người dân trong vùng được bảo vệ đứng ngồi không yên khi có bão. Cũng như ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, người dân bày tỏ sự lo lắng bởi 270 m đoạn cuối con đê chưa được đầu tư xây dựng đã khiến sóng của bão số 10 tràn vào trong đê hàng trăm mét, làm ngập nhiều nhà và đánh sập hàng trăm tường rào cũng như uy hiếp an toàn hàng chục hộ dân ở thôn Quyết Tiến. Riêng nhà anh Bùi Thái Thành vừa xây mới hơn 350 triệu đồng, đã bị sóng “đào” mất sân, xói sâu vào thềm nhà…
“Nhìn những con sóng cao 5 đến 6 m đổ ình ình ngay trước sân nhà mà hãi. May nhờ bà con, lực lượng vũ trang ứng cứu dùng bao cát và đá hộc xếp quanh ngôi nhà, cứu kịp thời ngay trong bão tố. Nếu không thì biển đã “nuốt” mất nhà rồi!”. Anh Thành kể lại với ánh mắt thất thần.
Cũng tại phường Quỳnh Phương, tuyến đê cửa sông từ cửa biển Lạch Cờn (cầu Quỳnh Phương) đến khối 1, phường Mai Hùng được đắp bằng đất từ năm 1980 nay không khác gì bờ ruộng lớn chạy dài, cao chừng hơn 1 m. Chính vì thế, bão số 2 và số 10 tuy không lớn lắm nhưng nước biển đã tràn qua, làm ngập cả khu dân cư hơn 500 hộ dân ở khối Hồng Hải, làm hư hỏng phần lớn khu sản xuất muối Vĩnh Ngọc cùng hàng chục héc-ta nuôi tôm của người dân. Bên kia cửa Lạch Cờn, người dân hai xóm Đồng Thanh và Đồng Minh của xã Quỳnh Lập cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mặc dù đã lập dự án từ lâu nhưng chưa có nguồn vốn để xây dựng tuyến đê cho nên hàng trăm hộ dân ở đây đều rơi vào cảnh, bão đến là nước biển tràn vào nhà, tường rào đổ, nhà nứt.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Vũ Tuấn Dũng cho biết: Tuy bão số 10 không lớn nhưng đã tràn qua nhiều khu vực trong số 17 km đê biển trên địa bàn thị xã, gây thiệt hại nặng cho người dân. Chưa kể hệ thống đê cửa sông đầu tư xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, khả năng chống chọi bão lũ rất thấp.
Rời các tuyến đê biển dọc các xã biển ngang và các tuyến đê cửa sông, ngược sông Lam mục sở thị các tuyến đê sông. Theo nhận xét của các chuyên gia, thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, lượng mưa lũ với tần suất rất lớn, diễn ra trên diện rộng, kéo dài cùng biến đổi dòng chảy và nhất là nạn cát “tặc” đang hoành hành đã làm các bờ sông ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương… bị sụt lở nghiêm trọng. Tác nhân do thiên tai và “nhân tai” này đã “gặm nhấm” bờ sông, làm mất dần một số diện tích không nhỏ “bờ xôi, ruộng mật” đất sản xuất; cắt đứt đường giao thông, đe dọa an toàn khu dân cư và gây sạt lở tuyến đê Tả Lam, Hữu Lam…
Cần sớm ngăn chặn hiểm họa
Nghệ An có 82 km bờ biển kéo dài từ xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu) đến Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), bờ biển bị chia cắt bởi sáu cửa lạch, được mệnh danh là vùng “rốn bão”, thường xuyên chịu nhiều trận bão. Những năm 80 của thế kỷ 20, trung bình mỗi năm Nghệ An hứng chịu ba đến năm cơn bão lớn. Năm 1983, trong vòng 20 ngày có ba trận bão lớn đổ bộ vào Nghệ An quật đổ nhiều nhà cửa cùng nhiều công trình. Để giảm thiệt hại do bão lũ gây ra cho Nghệ An, Đảng và Chính phủ cũng đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống đê biển và đê sông. Đến nay, Nghệ An đã đầu tư xây dựng và nâng cấp 493 km đê biển và đê sông; 133,8 km đê và kè cửa sông, 150 km đê bao nội đồng. Nghệ An đã kiên cố hóa được 82,6 trong tổng số 155,7 km đê Tả Lam, Hữu Lam (cấp III và cấp IV) từ huyện Đô Lương đến huyện Nghi Lộc. Đây là tuyến đê sông bảo vệ cuộc sống cho hàng chục nghìn người dân dọc theo sông Lam.
Hệ thống đê dọc sông Lam được đầu tư nâng cấp một cách vững chãi, mặt đê được cứng hóa trở thành tuyến đường thơ mộng dọc sông để phát triển du lịch, nâng cao đời sống dân sinh cũng như tạo thuận lợi cho việc tuần tra, ứng cứu đê khi cấp bách. Ở đây còn hình thành nhiều tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân khi có lũ lớn xảy ra. Bên cạnh đó, theo chương trình nâng cấp các tuyến đê biển của Chính phủ, các đoạn xung yếu thuộc tuyến đê, kè biển dọc theo các huyện, thị xã ven biển của Nghệ An đã được đầu tư nâng cấp bảo đảm chống được gió bão từ cấp 8 đến cấp 10 gặp triều cao trung bình tần suất 5%…
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, gần đây các cơn bão đổ bộ vào nước ta nói chung trong đó có Nghệ An theo chiều hướng bất thường và mạnh lên theo hướng siêu bão trên cấp 12, cùng với triều cường. Trong khi đó, các tuyến đê chỉ chịu được bão cấp độ thấp; một số tuyến đê chưa được nâng cấp và có nguy cơ sạt lở cao, đơn cử như các tuyến đê biển: Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu), đê cửa sông Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai)…
Hệ thống đê biển, đê cửa sông ở Nghệ An hiện nay khó có thể chống chọi được với bão lớn kết hợp triều cường. Cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân sống ven biển và dọc sông Cả, sông Lam thường xuyên bị bão tố đe dọa. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Sỹ Hưng: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho địa phương nghiên cứu, lập đề án nâng cấp hệ thống đê xung yếu trước biến đổi khí hậu…
Trong công cuộc đổi mới, các địa phương ven biển tỉnh Nghệ An đã có bước đột phá về kinh tế, tạo nên nhiều vùng dân cư, đô thị biển sầm uất ngay bên chân sóng. Các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cùng hạ tầng kỹ thuật đi cùng phát triển khá nhanh chóng khiến việc bảo vệ các khu dân cư ven biển cần thiết hơn bao giờ hết. Việc nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông cần sớm được ưu tiên triển khai. Trong lúc nguồn lực của tỉnh có hạn, rất mong T.Ư tiếp tục đầu tư triển khai các dự án mới như hệ thống đê biển Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai), đê Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc); nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các đoạn xung yếu chịu được bão cấp 12 nhằm sớm hoàn chỉnh hệ thống đê biển Nghệ An, nâng cao khả năng phòng chống bão, lũ cho địa phương trước tác động của biến đổi khí hậu.
(Còn nữa)